Thứ Hai, 4 tháng 12, 2017

Cầu vượt cạn gần một nghìn tỷ đồng hoàn thành tại Hải Phòng

Cầu vượt và nút giao thông khác mức Nguyễn Bỉnh Khiêm được Hải Phòng đưa vào sử dụng từ chiều 4/12.

cau-vuot-can-gan-mot-nghin-ty-dong-hoan-thanh-tai-hai-phong

Cầu vượt và nút giao thông khác mức Nguyễn Bỉnh Khiêm được kết nối với quốc lộ 5. Ảnh: Giang Chinh

Chiều 4/12, cầu vượt và nút giao thông khác mức Nguyễn Bỉnh Khiêm thuộc Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp đường 356 đoạn 2A từ ngã ba Nguyễn Bỉnh Khiêm đến đập Đình Vũ, thuộc địa bàn quận Hải An được Hải Phòng khánh thành và đưa vào sử dụng sau 9 tháng thi công.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về dự và cắt băng khánh thành. Chủ tịch UBND thành phố ông Nguyễn Văn Tùng cho biết, nút giao thông ngã ba đường Nguyễn Bỉnh Khiêm và đường 356 có vai trò đặc biệt quan trọng trong lưu thông hàng hóa qua cảng Hải Phòng. 90% hàng hóa ra vào cảng được vận chuyển qua đây. Tuy nhiên thời gian vừa qua tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra liên tục, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế cho các doanh nghiệp.

Vì vậy, Hải Phòng quyết định đầu tư xây dựng công trình cầu vượt và nút giao thông khác mức nhằm xóa điểm đen về ùn tắc và tai nạn giao thông.

Đây là công trình giao thông cấp 2 có tổng mức đầu tư hơn 953 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng cầu vượt trên 322 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng gần 370 tỷ đồng.

Những Bác Tài xuống đường ăn mừng trạm BOT Cai Lậy tạm dừng thu phí

Nhiều người dân, tài xế reo hò, xuống đường ăn mừng, khi hay tin Thủ tướng quyết định dừng thu phí trạm BOT Cai Lậy một đến hai tháng.

tai-xe-xuong-duong-an-mung-tram-bot-cai-lay-tam-dung-thu-phi

Dòng người kéo xuống đường hò reo khi nghe tin Thủ tướng quyết định tạm dừng thu phí trạm BOT Cai Lậy. Ảnh: Nguyễn Thành.

Khoảng 20h, thông tin Thủ tướng quyết định dừng thu phí một đến hai tháng tại trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) được công bố trên các phương tiện truyền thông, hàng trăm tài xế, người dân quanh trạm mang loa xuống đường reo hò ăn mừng.

Dòng người diễu hành bắt đầu từ quán cà phê ở gần trạm, sau đó băng qua trạm rồi kéo về tập trung ở phía trước trung tâm điều hành BOT Cai Lậy, mở nhạc, hát hò, sau đó quay trở lại.

Một số tài xế đi ngang qua khu vực trạm cũng bóp còi inh ỏi hưởng ứng. "Việc Chính phủ cho tạm dừng trạm để xem xét lại là một tin vui, chứng tỏ những kiến nghị của chúng tôi về sự bất hợp lý của trạm BOT Cai Lậy đã được quan tâm", tài xế Ngô Văn Linh nói.

Người tài xế mang loa xuống đường vui mừng sau quyết định tạm dừng thu phí trạm BOT Cai Lậy

Tài xế mang loa xuống đường vui mừng. Ảnh: Nguyễn Thành.

Trước đó, từ 17h, hàng chục tài xế đỗ ôtô cách trạm BOT Cai Lậy khoảng 100 m để ăn uống, chờ thông tin từ Trung ương. "Chúng tôi nghe tin Chính phủ họp bàn liên quan đến trạm BOT Cai Lậy nên tạm bỏ công việc đến nghe ngóng, hy vọng sẽ xả trạm", tài xế Lê Thanh Tuấn cho biết.

Ông Huỳnh Hoàng Dư, một người dân sống cạnh trạm cũng ngán ngẩm nói từ lúc trạm này mọc lên, các tài xế liên tục phản đối, ngày nào cũng xảy ra nạn kẹt xe, khói bụi, tiếng ồn rất khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn.

"Tình trạng này kéo dài đã 3 tháng nay. Hy vọng lần này nhà nước sẽ giải quyết dứt điểm để an ninh tại địa phương được ổn định", ông Dư nói.

21h, trong khi nhóm tài xế, người dân kết thúc xuống đường ăn mừng, hơn mười nữ nhân viên trạm thu phí cũng tươi cười rời khỏi cabin sau nhiều ngày làm việc vất vả trước áp lực "mưa tiền lẻ" của các tài xế.

Tại trạm hiện chỉ còn khoảng 5,6 bảo vệ nam. "Tạm thời các nữ nhân viên thu phí được nghỉ, chỉ còn bảo vệ trực chốt. Trong suốt 3 tháng ròng, đêm nay là đêm thoải mái nhất của chúng tôi", một nhân viên bảo vệ tươi cười nói.

Trả lời VnExpress về việc trạm dừng thu phí có gây thiệt hại cho nhà đầu tư không, nhà đầu tư có ý kiến gì, ông Lưu Văn Hào, Phó chủ tịch HĐQT Công ty TNHH đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang chỉ nói ngắn gọn, "sẽ thực hiện theo quyết định trên".

Vài ngày trước ông Hào khẳng định "giảm giá vé là giải pháp cuối cùng, không thể di dời trạm theo yêu cầu của người dân".

Các nhân viên rời trạm thu phí, về trung tâm điều hành vào lúc 21h sau khi có quyết định tạm dừng thu phí trong 30 ngày

Các nhân viên rời trạm thu phí, về trung tâm điều hành vào lúc 21h sau khi có quyết định dừng thu phí một đến hai tháng. Ảnh: Nguyễn Thành.

Tối 4/12, Thủ tướng đã giao các cơ quan chức năng đánh giá toàn diện dự án BOT Cai Lậy; dừng thu phí trong một đến hai tháng với dự án này để Bộ Giao thông và các bộ ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án cụ thể.

"Nội dung đánh giá gồm việc đầu tư ra sao, chấp hành quy định pháp luật như thế nào. Sau khi Bộ Giao thông báo cáo, Thủ tướng sẽ có quyết định cuối cùng về trạm BOT Cai Lậy", ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói.

Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ cho hay, Thủ tướng đã kết luận việc đầu tư xây dựng các công trình giao thông theo hình thức BOT là chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Tuy vậy, trong quá trình triển khai cũng như vận hành phải hết sức lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhân dân. Khi xảy ra những vấn đề mà dư luận phản ánh về BOT thì phải xem xét, đánh giá toàn diện và có giải pháp để tháo gỡ.

Trạm thu phí Cai Lậy hoạt động ngày 1/8. Tuy nhiên, sau đó nhiều tài xế đã sử dụng tiền lẻ mua vé để phản đối trạm đặt sai vị trí. Vụ việc khiến trạm này bị ùn tắc giao thông nghiêm trọng nhiều ngày. Ngày 15/8, chủ đầu tư cho xả trạm.

Sáng 30/11, trạm thu phí trở lại. Giá vé mỗi lượt của các loại xe đồng loạt giảm 30%, thấp nhất là 25.000, cao nhất 140.000 đồng. Tuy nhiên, trong 5 ngày qua, đã có 24 lần trạm thu rồi lại xả do sự phản ứng từ tài xế. Họ đưa tiền lẻ 25.100 đồng, đòi thối 100 đồng hoặc đưa tiền mệnh giá lớn để trả phí.

Trạm thu phí BOT Cai Lậy nằm trong dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và bảo trì, tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 khởi công năm 2014. Trong đó, phần tuyến tránh được đầu tư mới dài 12 km, xây mới 7 cầu, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Phần sửa chữa Quốc lộ 1 dài 26,5 km với vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng.

Thủ tướng quyết định tạm dừng thu phí trạm Cai Lậy

Trạm thu phí BOT Cai Lậy sẽ dừng thu phí trong một đến hai tháng để các cơ quan chức năng xem xét những vấn đề liên quan.

Tối 4/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành liên quan, tỉnh Tiền Giang để tìm giải pháp cho Trạm thu phí BOT Cai Lậy.

thu-tuong-quyet-dinh-tam-dung-thu-phi-tram-cai-lay

Thủ tướng quyết định dừng thu phí Cai Lậy trong một tháng. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

"Nếu phát hiện sai phạm thì xử lý nghiêm, kể cả Bộ trưởng"

Theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, tuyến tránh Cai Lậy là một trong 88 tuyến giao thông được xây dựng theo hình thức BOT. Đây là các dự án được xây dựng theo Nghị quyết 13 của Trung ương Đảng và Nghị quyết 108 của Chính phủ về huy động nguồn lực ngoài xã hội để hiện đại hóa hạ tầng giao thông.

Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Kiểm toán Nhà nước đã vào kiểm tra dự án này và hiện Thanh tra Bộ Giao thông vận tải đang kiểm tra theo chỉ đạo của Thủ tướng. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định nếu phát hiện ai có sai phạm, kể cả Bộ trưởng, đều sẽ kỷ luật nghiêm khắc.

Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, cảnh sát giao thông đã ghi hình cũng như thống kê được danh sách 14 xe ở những tỉnh khác, không phải ở các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long chỉ chuyên chạy đi chạy lại qua trạm BOT Cai Lậy để gây rối.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Giao thông đã báo cáo 3 phương án đối với tuyến tránh Cai Lậy. Sau khi lắng nghe các ý kiến đối với các phương án này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định tạm dừng thu phí trên tuyến tránh Cai Lậy từ một đến hai tháng để Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan tiếp tục làm rõ mọi vấn đề, đồng thời đề xuất phương án trên cơ sở khoa học và phù hợp thực tiễn.

"Đúng quy trình nhưng không hợp lòng dân thì vẫn phải sửa chữa"

Thủ tướng nhấn mạnh có những vấn đề đúng pháp luật, đúng quy trình nhưng không phù hợp thực tiễn, không hợp lòng dân thì chúng ta vẫn phải nghiêm túc lắng nghe, cầu thị tiếp thu để sửa chữa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định chủ trương xây dựng hạ tầng giao thông theo hình thức BOT là đúng đắn và cần tiếp tục hình thức này để xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại.

Trên tinh thần đó, trong khi Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện phương án cuối cùng trình Thường trực Chính phủ quyết định, các cơ quan liên quan cần xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm như khai tăng khối lượng, cũng như xem lại mức phí và vị trí đặt trạm thu phí để vừa bảo đảm quyền lợi của người dân vừa góp phần thúc đẩy các dự án BOT giao thông; kiên quyết không được để vấn đề kinh tế phát sinh thành các bất ổn xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải đánh giá tổng thể cơ chế chính sách đầu tư đối với các dự án BOT, đẩy mạnh triển khai việc thu phí không dừng ở những tuyến có điều kiện.

Sau khi Thường trực Chính phủ quyết định phương án cuối cùng đối với dự án tuyến tránh Cai Lậy, Bộ Giao thông vận tải cùng Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức họp báo để công bố công khai phương án này.

thu-tuong-quyet-dinh-tam-dung-thu-phi-tram-cai-lay-1

Tài xế dùng tiền xu để trả phí qua trạm BOT Cai Lậy. Ảnh: Nguyễn Thành

Trước đó ngày 1/12, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập đến các dự án BOT, một vấn đề nóng bỏng hiện nay, và yêu cầu Bộ trưởng Giao thông Vận tải có báo cáo tổng hợp, trình Thường trực Chính phủ, đặc biệt là về BOT Cai Lậy để đánh giá toàn diện. Thủ tướng nêu rõ không để kéo dài tình trạng này.

Trạm thu phí Cai Lậy hoạt động ngày 1/8. Tuy nhiên, sau đó nhiều tài xế đã sử dụng tiền lẻ mua vé để phản đối trạm đặt sai vị trí. Vụ việc khiến trạm này bị ùn tắc giao thông nghiêm trọng nhiều ngày. Ngày 15/8, chủ đầu tư cho xả trạm.

Sáng 30/11, trạm thu phí trở lại. Giá vé mỗi lượt của các loại xe đồng loạt giảm 30%, thấp nhất là 25.000, cao nhất 140.000 đồng. Tuy nhiên, trong 5 ngày qua, đã có 24 lần trạm thu rồi lại xả do sự phản ứng từ tài xế. Họ đưa tiền lẻ 25.100 đồng, đòi thối 100 đồng hoặc đưa tiền mệnh giá lớn để trả phí.

Trạm thu phí BOT Cai Lậy nằm trong dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và bảo trì, tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 khởi công năm 2014. Trong đó, phần tuyến tránh được đầu tư mới dài 12 km, xây mới 7 cầu, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Phần sửa chữa Quốc lộ 1 dài 26,5 km với vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng.

Lốc xoáy làm tan hoang nhiều gian hàng ở hội chợ Việt - Trung

Lốc xoáy quét qua hội chợ ở Quảng Ninh, hàng chục gian hàng đổ sập, may mắn không thiệt hại về người.

loc-xoay-lam-sap-nhieu-gian-hang-o-hoi-cho-viet-trung

Khu hội chợ ngổn ngang do lốc xoáy đi qua. Ảnh: N.Q

Khoảng 12h30 ngày 4/12, cơn lốc xoáy với cường độ mạnh bất ngờ quét qua khu vực quảng trường trung tâm văn hóa TP Móng Cái, nơi tổ chức Hội chợ thương mại, du lịch biên giới Việt - Trung năm 2017.

Cơn lốc làm đổ sập ba nhà tiền chế, khiến hơn 30 gian hàng của các doanh nghiệp tham gia hội chợ bị ảnh hưởng. Rất may, sự việc xảy ra vào buổi trưa, có ít du khách và người dân tham quan.

Tại hiện trường, khung nhà tiền chế đổ sập, đồ đạc và hàng hóa nằm ngổn ngang. Lực lượng quân đội, công an được điều động khắc phục sự cố.

loc-xoay-lam-sap-nhieu-gian-hang-o-hoi-cho-viet-trung-1

Lốc xoáy xảy ra vào buổi trưa nên có ít du khách và người dân tại hiện trường. Ảnh: Vi Hậu

"Ba người bị xây xát nhẹ, hàng hóa ở một số gian hàng bị vỡ. Chúng tôi đang thống kê thiệt hại và di chuyển các hộ sang vị trí khác. Đến 17h chiều nay, những hộ kinh doanh bị ảnh hưởng đã ổn định để bán hàng", ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó chủ tịch UBND TP Móng Cái nói.

Hội chợ Thương mại, Du lịch quốc tế Việt - Trung năm 2017 có quy mô hơn 450 gian hàng, trong đó trên 300 gian hàng của các doanh nghiệp Việt Nam, 122 gian hàng của các doanh nghiệp Trung Quốc, 16 gian hàng của doanh nghiệp Thái Lan.

Hội chợ sẽ kết thúc vào ngày 7/12

Người dân đổ xô đi xem cánh đồng hoa cải ở Thái Bình

Cánh đồng hoa cải ở Thái Bình bắt đầu nở hoa vàng rực, trở thành điểm tham quan, chụp hình của nhiều người dân.


 

Thời gian gần đây, cánh đồng hoa cải rộng gần 100 ha của người dân xã Hồng Lý, huyện Vũ Thư (Thái Bình) nằm bên bờ sông Hồng bắt đầu trổ hoa vàng rực. Người dân địa phương và từ nhiều tỉnh, thành khác đổ về xã Hồng Lý để ngắm cánh đồng hoa cải và chụp hình lưu niệm.

Chủ cánh đồng hoa cải thu mỗi người vào chụp hình 10.000 đồng, trẻ nhỏ được miễn.

Một số người dân địa phương tranh thủ kinh doanh cho thuê trang phục truyền thống như áo dài, khăn xếp... để chụp hình với giá 40-50.000 đồng/bộ.

Hàng ăn, quán nước di động cũng mọc lên dãy dài bên cạnh cánh đồng hoa cải. 

Chiếc xe đạp cũ được người dân đưa ra đồng cải để làm đạo cụ, phục vụ du khách chụp hình với giá 10.000 đồng mỗi lượt.

Bé Việt Hà (TP Hải Phòng) được mẹ đưa đến cánh đồng hoa cải để chụp hình.

Các nữ sinh trường Cao đẳng truyền hình Hà Nội vượt quãng đường xa để lưu lại khoảnh khắc đẹp.

Thùy Dung chia sẻ em được chọn làm mẫu ảnh để chụp trang bìa báo Tết nên phải "diễn đi, diễn lại nhiều lần để chọn ra tấm hình ưng ý".

Ông Nguyễn Thiện Nhân - Thay người đứng đầu yếu kém

"TP HCM còn rất nhiều người có tâm, đức, tài...", Bí thư Thành ủy TP HCM nói và đề nghị thay người đứng đầu chưa đáp ứng yêu cầu công việc.

Ngày 4/12, phát biểu tại kỳ họp thứ 6 HĐND TP HCM khóa IX, Bí thư Thành ủy TP HCM điểm lại nhiều kết quả thành phố đạt được, trong đó có việc được Quốc hội thông qua Nghị quyết về cơ chế đặc thù; hoàn thành đề án thành phố thông minh...

"2018 là năm bản lề phát triển kinh tế xã hội, thành phố phải thực hiện quyết liệt cơ chế, chính sách đặc thù nếu không sẽ thiếu sót với người dân cả nước. Năm đầu tiên không chuẩn bị tốt, không tăng gì thì không hiệu quả", ông Nhân nói.

Bên cạnh nhiều công việc, giải pháp sẽ được tập trung triển khai, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh vào công tác cán bộ và tổ chức bộ máy.

Ông Nhân đặt vấn đề với UBND TP và các cấp ngành "nếu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu công việc thì phải sắp xếp lại công việc của họ".

"Thành phố còn rất nhiều người có tâm, đức, tài nên phải phát huy những đồng chí, anh em này", ông Nhân nói và đề nghị chính quyền thành phố phải tự định lượng sự hài lòng của người dân, khẳng định sự tiến bộ qua từng năm chứ không đợi trung ương đánh giá.

ong-nguyen-thien-nhan-thay-nguoi-dung-dau-yeu-kem

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: Trung Sơn.

Người đứng đầu Thành ủy cũng chỉ ra tình trạng còn một số yếu kém, thiếu trách nhiệm, tham nhũng ở mức độ khác nhau nhưng đa số đều chưa tự phát hiện mà do phản ánh (quận 8 có 20 trường hợp bị kỷ luật đều do người dân, báo chí phản ánh hoặc mặt trận giám sát). Ngoài ra, trong 6 tháng thành phố kỷ luật 4 tổ chức Đảng, trong đó có đảng viên chủ chốt.

"Thay mặt Thường vụ Thành ủy tôi nhận yếu kém, thiếu sót này. Thành ủy sẽ khắc phục quyết liệt và báo cáo HĐND thành phố", ông Nhân nói trước nghị trường hàng trăm người.

HĐND TP HCM xem xét tăng thuế hàng đặc biệt

Bí thư Thành ủy cũng lưu ý HĐND, từ 15/1/2018 trở đi sẽ có nhiều nhiệm vụ khi thực hiện Nghị quyết của Quốc Hội cho TP HCM thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển. Đó là điều tiết hành vi người tiêu dùng góp phần tăng thu, tăng thuế tiêu thụ một số mặt hàng đặc biệt (rượu, bia, thuốc lá).

Các dự thảo liên quan đến thuế, phí sẽ phải trình HĐND trước tháng 6, đồng thời lấy ý kiến chuyên gia, nhân dân.

Trả lời các vấn đề này, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định, trong tháng 1/2018 sẽ có kỳ họp bất thường bàn cải cách hành chính, nâng cao chất lượng hài lòng của người dân.

HĐND sẽ sớm triển khai các nội dung Quốc hội phân quyền, phân cấp; đồng thời sẽ có chương trình giám sát chuyên đề, quyết định việc giải quyết khiếu nại kiến nghị cử tri tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Khu công nghệ cao.

Kéo dài 4 ngày, kỳ họp HĐND lần này sẽ xem xét và cho ý kiến tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội thành phố năm 2017 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2018. Thường trực HĐND thành phố sẽ báo cáo kết quả giám sát về tình hình công tác quy hoạch đô thị...

HĐND thành phố cũng tổ chức thực hiện các nghị quyết - trong đó có nghị quyết của Quốc hội cho TP HCM thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù với mong muốn thúc đẩy thành phố phát triển, đóng góp nhiều hơn về nguồn lực, kinh nghiệm và cơ chế cho đất nước.

Còn UBND thành phố sẽ báo cáo về hình kinh tế, văn hoá, xã hội; quyết toán ngân sách năm 2016, ước thực hiện thu chi ngân sách năm nay và dự toán phân bổ ngân sách năm sau; báo cáo các tờ trình của UBND thành phố.

Ngoài ra, Thường trực HĐND thành phố sẽ báo cáo kết quả giám sát về thực hiện quy định của pháp luật về quy hoạch và tình hình công tác quy hoạch đô thị trên địa bàn.

Đặc biệt, kỳ họp sẽ dành nhiều thời gian để các đại biểu thảo luận tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội năm 2017 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2018; chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét thông qua nghị quyết các tờ trình của HĐND và UBND TP…

Hàng nghìn nhà dân ngập do mưa lũ, một người mất tích

Mưa lũ nhiều ngày qua khiến hàng nghìn nhà dân ở Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa bị ngập nước, một người mất tích.

Nhiều tuyến đường ở Quy Nhơn bị ngập sâu, người dân phải tăng bo xe ba gác.

Nhiều tuyến đường ở TP Quy Nhơn bị ngập sâu, xe ba gác cứu hộ xe máy bị chết máy hàng loạt. Ảnh: Quảng Nam.

Sáng 4/12, tỉnh Bình Định có mưa lớn trên diện rộng, lượng mưa bình quân 66 mm. Đường Hùng Vương ở TP Quy Nhơn bị ngập sâu, các xe ba gác cứu hộ xe máy bị chết máy hàng loạt. Nhiều khu vực ở huyện Tuy Phước, Phù Cát, Hoài Nhơn... bị ngập sâu, các tuyến đường bị chia cắt. 

Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai Bình Định, toàn tỉnh có gần 4.000 hộ dân vùng trũng thấp bị ngập lụt. Hiện, lũ ở tất cả sông trong tỉnh dâng cao. Lũ ở thượng lưu sông Kôn - Hà Thanh ở mức báo động 1- 3, hạ lưu trên báo động 3. Đỉnh lũ sông Kôn tại Thạnh Hòa rạng sáng nay là 8,77 m, trên báo động 3 0,77m.

Dự báo trong 6-12 giờ tới, mực nước lũ hạ lưu sông Kôn giảm chậm, hạ lưu sông Hà Thanh tiếp tục lên. Lũ trên các sông khác còn dao động ở mức cao.

Ông Đào Đức Tuấn - Giám đốc Sở Giáo dục Bình Định cho biết, sở đã gửi công văn đến các trường yêu cầu cho toàn bộ học sinh nghỉ học từ 4/12.

hang-nghin-nha-dan-ngap-do-mua-lu-mot-nguoi-mat-tich-1

Nhiều khu dân cư ở Bình Định bị lũ lụt chia cắt. Ảnh: Bình Định.

Trưởng thôn cùng con trai bị nước cuốn khi kiểm tra lũ lụt

Chiều tối qua, ông Châu Văn Dũng (57 tuổi), trưởng thôn Kỳ Lộ, xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đi kiểm tra tình hình mưa lũ, sau khi tập huấn khuyến nông ở trung tâm xã.

Đến đoạn qua cầu tràn suối Đập, ông Dũng cùng con trai gặp luồng nước chảy xiết cuốn. Người con trai bám vào tảng tá, sau đó leo lên bờ; người cha bị nước cuốn mất tích.

Sáng nay, cơ quan chức năng đã điều động 100 người đến hiện trường tìm kiếm ông Dũng.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh Phú Yên, mưa lớn nhiều ngày khiến 44 hồ thủy lợi trong tỉnh đã tích đầy nước theo thiết kế, xả tràn với lưu lượng từ 30 đến 160 m3/s. Nhiều nơi ở huyện Đồng Xuân và Tuy An đang bị lũ lụt chia cắt.

Ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, sáng nay, thủy điện Sông Hinh và Sông Ba Hạ đang xả lũ tổng lưu lượng 4.454 m3/s, tăng hơn 2.000 m3 so với hôm trước. Dự báo mực nước các sông sẽ tiếp tục lên.

hang-nghin-nha-dan-ngap-do-mua-lu-mot-nguoi-mat-tich-2

Đoạn suối nơi ông Dũng mất tích. Ảnh: Anh Thơ.

Theo đài khí tượng thủy văn Nam Trung Bộ, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động gió Đông khiến các tỉnh Nam Trung Bộ mưa to, có nơi mưa rất to kéo dài đến ngày 4/12.

Nữ cán bộ xã bị cảnh cáo vì quan hệ bất chính với sếp

Công chức văn phòng thống kê bị Huyện ủy cảnh cáo, bãi nhiệm tư cách đại biểu HĐND xã vì lộ ảnh giường chiếu với người có gia đình.

Ngày 4/12, Huyện ủy Như Xuân (Thanh Hoá) đã kỷ luật cảnh cáo một nữ cán bộ văn phòng thống kê xã Thanh Xuân do quan hệ bất chính với ông Lương Thế Tài, nguyên chủ tịch UBND xã Thanh Xuân. Bà còn bị bãi nhiệm đại biểu HĐND xã nhiệm kỳ 2016-2021.

Trong cuộc họp cùng ngày, ông Tài cũng bị bãi nhiệm đại biểu HĐND xã.

Việc quan hệ bất chính của hai người bị lộ khi vào ngày 22/9 một tài khoản Facebook đăng tải nhiều hình ảnh và clip cho thấy ông Tài có quan hệ giường chiếu với nữ cán bộ dưới quyền.

Ông Tài sau đó phủ nhận, cho hay đây là hình ảnh "do cắt ghép". Ông đề nghị công an vào cuộc điều tra để minh oan.

Tuy nhiên, khi Ủy ban kiểm tra Huyện ủy Như Xuân có văn bản đề nghị Công an tỉnh giám định các bức ảnh thì ông Tài bất ngờ thừa nhận mình là "nhân vật chính" và gửi đơn xin từ chức.

Người phụ nữ giải trình ảnh chụp vào tháng 11/2012. Thời điểm đó, UBND huyện Như Xuân có tổ chức Hội nghị Ban chỉ đạo an ninh trật tự giỏi, bà và ông Tài có tham gia. Hôm đó, hai người uống nhiều rượu nên "không làm chủ được bản thân".

Ủy ban kiểm tra kết luận ông Tài có quan hệ nam nữ trái với các quy định của pháp luật, vi phạm quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nhưng không trung thực trước tổ chức đảng.

Đầu tháng 11, Ban Thường vụ Huyện ủy Như Xuân kỷ luật cách chức Đảng ủy viên, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó bí thư Đảng ủy xã Thanh Xuân, nhiệm kỳ 2015-2020 với ông Tài.

TP HCM có thể tăng mức phạt giao thông lên gấp đôi

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, không cần cơ chế đặc thù, HĐND TP HCM vẫn có thể tăng mức phạt vi phạm giao thông ở nội thành.

Phát biểu tại buổi thảo luận tổ chiều 4/12, kỳ họp thứ 6 HĐND TP HCM khóa IX, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bùi Xuân Cường nói rằng, nhu cầu thực tế trong lĩnh vực giao thông giai đoạn 2016-2020 là khoảng 500.000 tỷ đồng. Sau khi thành phố tính toán thì có thể cân đối được 122.000 tỷ đồng.

"Vốn cho ngành giao thông qua hai năm đầu bố trí được 21.600 tỷ đồng, ba năm còn lại còn khoảng 41.000 tỷ, tổng cộng mới được 61.000 tỷ. Như vậy nguồn lực của thành phố rất thấp so với nhu cầu thực tế", ông Cường nói.

Điều này, theo ông Cường, dẫn đến nhiều mục tiêu trong chương trình giảm ùn tắc và tai nạn giao thông như: số kilomet đường mới, cầu mới, quỹ đất dành cho giao thông… cũng không thể đạt.

tp-hcm-co-the-tang-muc-phat-giao-thong-len-gap-doi

Theo Giám đốc Sở GTVT TP HCM, HĐND thành phố có thể xem xét tăng mức phạt vi phạm giao thông nhưng không quá hai lần theo quy định của Luật xử phạt hành chính. Ảnh: Trung Sơn.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết, khi thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế đặc thù thì thành phố sẽ có thêm nguồn lực triển khai các công trình giao thông. Theo đó, thành phố sẽ có thêm nguồn thu từ việc bán đất công (được hưởng 50%), thu từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp.

Hai dự án cần được ưu tiên đầu tư khi có vốn là đường Vành đai 2 và 3 vì đây là hai tuyến đường huyết mạch của mạng lưới giao thông thành phố. Trong đó, theo Nghị quyết kỳ họp trước của HĐND thành phố, đến năm 2020 phải hoàn thành đường Vành đai 2 và một phần đường Vành đai 3.

Ngoài ra, để tăng thêm nguồn thu, ông Cường cho biết HĐND TP HCM có thể xem xét tăng mức phạt vi phạm giao thông ở khu vực nội thành lên gấp đôi so với hiện nay.

"Điều này đã được cho phép trong Luật xử phạt hành chính và không cần phải áp dụng cơ chế đặc thù, thành phố vẫn có thể quyết định. Sở đã có dự thảo văn bản và UBND thành phố đang giao Sở Tư pháp và Công an thành phố góp ý", ông Cường nói.

Trước đó, nêu vấn đề thảo luận, liên quan việc cơ chế đặc thù cho phép thí điểm tăng các loại phí, đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang (Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM) cũng cho rằng mức xử phạt vi phạm giao thông và môi trường hiện nay quá thấp.

"Giờ tan tầm xe cộ chạy rất lộn xộn, leo lên lề, lấn tuyến và chạy ngược chiều nhưng cảnh sát giao thông không giải quyết nổi. Với cơ chế đặc thù mà Quốc hội cho phép, thành phố cần nâng mức phạt để xử nghiêm và hạn chế người vi phạm", ông Quang đề nghị.

Về lĩnh vực kinh tế, ông Quang bày tỏ băn khoăn về báo cáo "nguyên nhân các chỉ tiêu không đạt là do khâu dự báo chưa sát". Tuy nhiên, ông dẫn chứng trong kỳ họp năm trước chỉ tiêu tăng trưởng cao, nhiều đại biểu đề nghị phân tích làm rõ hơn nhưng chưa được quan tâm.

"Chỉ tiêu đặt ra không đạt được là do dự báo sai hay chúng ta duy ý chí?", ông Quang nói và đề nghị với chỉ tiêu năm phát triển kinh tế năm 2018 cơ quan tham mưu phải đưa ra hàng loạt kịch bản trong từng lĩnh vực cụ thể, và phải có đầy đủ cơ sở thì đại biểu mới yên tâm thông qua.