Thứ Năm, 16 tháng 11, 2017

Tài xế nổi lòng tham khi ngồi trông túi tiền một tỷ đồng

Được đồng nghiệp dặn trông cẩn thận chiếc túi có 990 triệu đồng và điện thoại Vertu để lại trong xe, nhưng Nhẫn đã lấy đi.

Theo bản án sơ thẩm ngày 16/11 của TAND Hà Nội, Nguyễn Văn Nhẫn được công ty giao lái xe chở hai đồng nghiệp đi giao dịch với đối tác tại quận Đống Đa. Khi họ đi vào làm việc, Nhẫn được dặn trông cẩn thận chiếc túi có 990 triệu đồng cùng điện thoại Vertu để lại trong xe.

Nổi lòng tham, ngày 14/4 hôm đó, Nhẫn đã không chờ các đồng nghiệp mà lái xe bỏ đi. Đến quận Đống Đa, để lại xe và điện thoại, anh ta mang tiền trốn vào miền Nam. Vài ngày sau, Nhẫn bị bắt.

Tại tòa, Nhẫn khai ngoài việc mua vài đồ cá nhân, bị cáo chỉ chi tiêu hết 20 triệu đồng.

Được bị hại xin giảm hình phạt, Nhẫn lĩnh án bảy năm tù.

Máy bay chở 17 tấn hàng cứu trợ của ASEAN đã đến Cam Ranh

Lô hàng cứu trợ trị giá gần 175.000 USD, được đại diện bốn tỉnh thiệt hại do bão Damrey tiếp nhận ngay tại sân bay Cam Ranh.

Máy bay chở 17 tấn hàng viện trợ Việt Nam sau bão Damrey đáp xuống sân bay Cam Ranh. Ảnh: Xuân Ngọc

Máy bay chở 17 tấn hàng viện trợ đáp xuống sân bay Cam Ranh. Ảnh: Xuân Ngọc.

Trưa 16/11, máy bay của Malaysia vận chuyển 17 tấn hàng từ Trung tâm điều phối khu vực ASEAN về hỗ trợ nhân đạo thiên tai (Trung tâm AHA), viện trợ các nạn nhân bị ảnh hưởng sau bão Damrey tại Việt Nam, đáp xuống sân bay quốc tế Cam Ranh, Khánh Hòa. 

Lô hàng cứu trợ gồm hàng nghìn dụng cụ sửa nhà cửa, bộ vệ sinh cá nhân, tàu Aluminium... Tổng số hàng trị giá gần 175.000 USD. "Chúng tôi hy vọng số hàng hóa này sẽ một phần nào giúp nạn nhân trong bão vượt qua khó khăn", đại diện phi hành đoàn các thành viên ASEAN chia sẻ.

Ông Trần Quang Hoài - Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai - cho biết, số hàng được viện trợ sẽ được phân bổ cho tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định và Quảng Ngãi. 

Đại diện bốn tỉnh đã tiếp nhận hàng cứu trợ ngay tại sân bay. "Các tỉnh sẽ cố gắng để người dân nhận được hàng viện trợ sớm nhất, chứ không lưu kho chờ đợi", ông Hoài nói và cho biết, hồi tháng 8, các nước ASEAN cũng hỗ trợ các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại do lũ quét và sạt lở đất.

Tàu

Tàu Aluminium do các nước ASEAN viện trợ được đưa ra khỏi máy bay. Ảnh: Xuân Ngọc.

Trước đó, sáng 9/11, máy bay vận tải của Nga chở 40 tấn hàng hóa cứu trợ đáp xuống sân bay Cam Ranh. Ít ngày sau, số hàng này được phân chia cho người dân Khánh Hòa và Phú Yên - hai tỉnh thiệt hại nặng nhất trong bão Damrey.

Khách sạn 5 sao ở Phú Quốc bị cắt ngọn vì xây sai phép

Đoàn kiểm tra phát hiện khách sạn có vốn đầu tư 300 tỷ đồng ở Phú Quốc xây vượt tầng so với giấy phép, buộc tháo dỡ phần sai phạm.

khach-san-5-sao-o-phu-quoc-bi-cat-ngon-vi-xay-sai-phep

Khách sạn 5 sao Seashells xây vượt phép một tầng, buộc phải tháo dỡ. Ảnh: Dương Đông.

Ngày 16/11, chủ đầu tư khách sạn 5 sao Seashells tại thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc cho tháo dỡ tầng chín trên cùng của khách sạn này. Động thái này diễn ra sau khi Đoàn kiểm tra liên ngành về giao thông - xây dựng và địa chính tỉnh Kiên Giang phát hiện công trình xây vượt một tầng so với giấy phép.

Ông Lê Quốc Anh - Giám đốc Sở Xây dựng Kiên Giang, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành - cho biết, UBND tỉnh chỉ đạo xử lý tất cả công trình xây dựng trái phép trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc, không riêng công trình nào. "Việc cắt ngọn khách sạn Seashells là do chủ đầu tư tự nguyện", ông Anh nói.

Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành cho rằng việc đập phá, tháo dỡ công trình gây nhiều thiệt hại cho chủ đầu tư và tài sản xã hội. "Nhưng không vì thế mà chấp nhận tồn tại những công trình sai phép làm ảnh hưởng đến trật tự xây dựng và lợi ích cộng đồng", Giám đốc Sở Xây dựng nhấn mạnh.

Khách sạn Seashells có hình dáng con tàu nhiều tầng, tọa lạc tại một trong những bãi biển đẹp nhất đảo Phú quốc, quy mô 250 phòng, vốn đầu tư 300 tỷ đồng, đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Trước đó, dư luận tại Phú Quốc cho rằng khách sạn Seashells cách mép nước biển chỉ vài chục mét là vi phạm khoảng cách hành lang bảo vệ bờ biển (Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, có hiệu lực từ ngày 1/7/2016).

Tuy nhiên, sau đó lãnh đạo tỉnh Kiên Giang khẳng định khách sạn 5 sao này được chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi có quy định về hành lang bảo vệ bờ biển, nên vẫn tiếp tục tồn tại.

Thống đốc Dự án BOT khả thi sẽ vẫn được vay vốn

Ngân hàng Nhà nước sẽ vẫn kiểm soát chặt rủi ro ở lĩnh vực BOT giao thông, nhưng Thống đốc khẳng định "không  đóng cửa" với các dự án khả thi.

Là thành viên Chính phủ thứ 2 trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV, phần trả lời của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng được đánh giá "thẳng thắn, tạo nên phiên chất vấn sôi nổi". Lãnh đạo Quốc hội cũng nhìn nhận tư lệnh ngành ngân hàng đã nắm rõ tình hình dù mới hơn một năm nhậm chức.

Phần chất vấn Thống đốc Lê Minh Hưng chiều nay ghi nhận 48 đại biểu đăng ký chất vấn.

Ngay ít phút trước khi nhận chất vấn, Thống đốc Lê Minh Hưng đã có 3 phút báo cáo khái quát tình hình 'sức khoẻ' hệ thống ngân hàng, giải pháp chính sách tiền tệ để đảm bảo tăng trưởng kinh tế đạt 6,7% năm nay. Theo ông Hưng, ngay từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước đã mua được thêm 7 tỷ USD, nâng dự trữ  ngoại hối lên 46 tỷ USD. "Đây là con số đáng ấn tượng", ông Hưng đánh giá.

thong-doc-du-an-bot-kha-thi-se-van-duoc-vay-von-page-2

Thống đốc Lê Minh Hưng nhận được nhiều câu hỏi về tín dụng, vàng-ngoại tệ, Bitcoin và BOT.

Dân cần niềm tin để 'hiến' vàng cho Nhà nước

Sự thẳng thắn của vị trưởng ngành được ghi nhận khi không né tránh những bất cập, cũng như trả lời thẳng vào những vấn đề mà đại biểu nêu. Trước đó, rất nhiều ý kiến băn khoăn khi lượng vàng, ngoại tệ trong dân đang "tồn" rất nhiều nhưng lại chưa được huy động thành nguồn lực, biến thành vốn đầu tư cho phát triển kinh tế, xã hội.

Đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng, lượng vàng, ngoại tệ người dân trực tiếp nắm giữ còn lớn, nếu huy động được có thể bổ sung vào nguồn vốn kinh doanh. "Xin cho biết quan điểm của mình về vấn đề này? Sắp tới có chính sách gì?", ông hỏi.

Dẫn chuyện gia đình nhà tư sản Trịnh Văn Bô, Hoàng Thị Minh Hồ đã hiến 5.000 lượng vàng trước đây, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) chất vấn về niềm tin của người dân "sẽ giúp Nhà nước trong việc huy động vốn".

"Thống đốc có giải pháp gì hợp lòng dân và cam kết bảo đảm bảo tiền gửi cho người dân hay không bởi cam kết tạo niềm tin với dân rất quan trọng", ông chất vấn.

Đại biểu Lê Công Nhường - Bình Định

Đại biểu Lê Công Nhường chất vấn về giải pháp huy động vốn trong dân.

Giải pháp huy động vàng trong dân căn cơ nhất, bền vững, khả thi nhất, theo Thống đốc Lê Minh Hưng, là Chính phủ và các bộ ngành cần kiên định mục tiêu điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dựng lòng tin của doanh nghiệp... trên cơ sở đó sẽ khiến nguồn vốn không bỏ vào tài sản tài chính như vàng, ngoại tệ. "Việc này cần có thời điểm và lộ trình để chuyển hóa nguồn lực", ông nói.

Tư lệnh ngành ngân hàng phân tích: trước đây Việt Nam tốn nhiều ngoại tệ nhập khẩu vàng, khiến thị trường có tác động, gây bất ổn. Nhiều năm qua thị trường này ổn định, không mất ngoại tệ nhập vàng; thị trường đang tự điều tiết. Như vậy đã chuyển hóa một phần nguồn lực lớn từ vàng sang nền kinh tế.

Ông cũng cho rằng, ngoại tệ cũng là nguồn lực rất quan trọng. Vừa qua Ngân hàng Nhà nước áp dụng trần lãi suất huy động ngoại tệ là 0%, nguồn lực đó thực tế chuyển hóa qua VNĐ.

"Thị trường ngoại hối hiện có tỷ giá ổn định, mua được lượng lớn ngoại tệ từ người dân bán cho các tổ chức tín dụng. Nếu kiên định, giải pháp như vậy sẽ tốt", Thống đốc nói thêm.

Ngân hàng 0 đồng nếu đổ vỡ sẽ gây hiệu ứng domino

Tại phiên chất vấn chiều nay, các đại biểu bày tỏ mối quan tâm đặc biệt tới câu chuyện xử lý các ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt và mua lại ngân hàng 0 đồng thời gian của Ngân hàng Nhà nước.

Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho biết quá trình hợp nhất, sáp nhập, mua bán bắt buộc một số ngân hàng 0 đồng khiến người gửi tiền, nhân dân lo lắng. "Nếu đổ vỡ sẽ tạo ra hiệu ứng domino. Đề nghị cho biết những giải pháp đột phá để đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, tài sản xấu, thu hút nhà đầu tư tham gia hiệu quả các ngân hàng yếu kém", đại biểu nói.

Đại biểu Võ Thị Như Hoa Đà Nẵng cũng đặt câu hỏi về ngân hàng 0 đồng. Đại biểu này lo ngại Nhà nước có phải chi ngân sách cho phục hồi hoạt động của 3 ngân hàng 0 đồng không?

Đại biểu Bùi Huyền Mai (Hà Nội) cũng cho rằng, trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước là phải cảnh báo thường xuyên kịp thời về sức khỏe của các ngân hàng. Bà đặt câu hỏi Ngân hàng Nhà nước sắp tới có xếp hạng đánh giá sức khỏe các ngân hàng thường xuyên "để người dân khỏi sốc khi đột nhiên có ngân hàng bị xếp vào diện kiểm soát đặc biệt".

Thừa nhận các ngân hàng 0 đồng sau khi mua bắt buộc lại vẫn còn thua lỗ, nhưng Thống đốc khẳng định, điều quan trọng nhất là đã ổn định tâm lý người gửi tiền, tránh rút tiền hàng loạt, lây lan sang hệ thống.

Theo ông, việc xây dựng phương án để xử lý triệt để các ngân hàng này cần thời gian, Ngân hàng Nhà nước đã đưa cán bộ từ Vietcombank, VietinBank sang kiện toàn, tăng cường hoạt động đảm bảo an toàn, đẩy mạnh tiết giảm chi phí để giảm lỗ.

"Cơ bản hoạt động các ngân hàng này đã ổn định, lỗ lũy kế giảm dần", ông Hưng thông tin.

Việc chưa có khung khổ pháp lý đầy đủ trong xử lý các ngân hàng yếu kém theo Thống đốc là khó khăn. Theo ông mục tiêu ưu tiên của Chính phủ là tìm các nhà đầu tư mới có năng lực. "Khi có các nhà đầu tư vào, sẽ có công cụ để xử lý các ngân hàng này", ông nói.

Về cam kết bảo hiểm tiền gửi, Thống đốc khẳng định quan điểm "trong bất cứ trường hợp nào xử lý các phương án đối với các tổ chức tín dụng thì mục tiêu đầu tiên là phải đảm bảo an ninh kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, giữ được lòng tin của người gửi tiền và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền cho nên chọn bất cứ giải pháp nào mục tiêu đó phải được đảm bảo".

Ông bày tỏ mong muốn đại biểu Quốc hội xem xét những giải pháp, chính sách đề xuất trong luật tổ chức tín dụng để có cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ và có thể xử lý được cáo giải pháp khác nhau đáp ứng mục tiêu xuyên suốt là đảm bảo an toàn lòng tin và quyền lợi của người gửi tiền.

Nhà đầu tư BOT cần vốn, còn ngân hàng cần "chặn" rủi ro

Đề cập tới chuyện ngân hàng đang rót lượng vốn lớn vào các dự án cho vay BOT giao thông, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, thực tế cho vay BOT đã thấp hơn trước. Hiện tỷ trọng tín dụng cho vay lĩnh vực này chỉ chiếm 1,5% tổng dư nợ tín dụng, tỷ lệ nợ xấu cũng thấp. "Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt rủi ro các lĩnh vực này", Thống đốc khẳng định. 


Chất vấn vốn vay ngân hàng tại các dự án BOT giao thông, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cho biết, ông cảm thấy phấn khích về phần trả lời lưu loát của Thống đốc. Vị đại biểu đề nghị Thống đốc tiếp tục cam kết "vốn ngân hàng vẫn cho vay các dự án BOT" để tới đây khi các đại biểu Quốc hội yên tâm khi bấm nút thông qua dự án đầu tư đường cao tốc Bắc – Nam với tổng vốn đầu tư hơn 118.000 tỷ đồng, trong đó một nửa sẽ là vốn vay của ngân hàng – khoảng 50.000 tỷ đồng.

thong-doc-du-an-bot-kha-thi-se-van-duoc-vay-von-page-2-1

Đại biểu Trần Hoàng Ngân đánh giá cao cách trả lời chất vấn của Thống đốc. Ảnh: Quốc hội

Đáp lại, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay, nhu cầu vốn cho đường cao tốc rất lớn, nhưng rủi ro của hệ thống ngân hàng cũng quan trọng không kém. "Không phải ngân hàng không cho vay BOT giao thông mà các ngân hàng phải tăng cường thẩm định phương án tài chính để đảm bảo khả thi, năng lực tài chính của chủ đầu tư. Chủ đầu tư có năng lực thực sự, dự án khả thi thì ngân hàng sẽ cho vay", ông nhấn mạnh.

Lãi suất cho vay đã giảm rất mạnh

Là  một trong số hơn 20 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn Thống đốc Lê Minh Hưng chiều nay, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) băn khoăn khi mặt bằng lãi suất hiện nay vẫn cao, gây khó cho doanh nghiệp. "Chúng ta đang khuyến khích thành lập được một triệu doanh nghiệp, nếu lãi suất vay vẫn cao như vậy sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu này", ông Nhường nêu.

Trả lời đại biểu Nhường, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, mặt bằng lãi suất cho vay vừa qua đã giảm rất mạnh; các ngân hàng luôn hướng tới giảm chi phí cho doanh nghiệp, tuy nhiên lãi suất ở Việt Nam phụ thuộc nhiều yếu tố liên quan.


Nhấn mạnh lại lần nữa quan điểm kiên định trong điều hành vĩ mô, tiền tệ là giữ lạm phát ở mức thấp, ổn định vĩ mô... để giảm lãi suất cho vay, ông Hưng cho biết, ngoài công cụ chính sách ổn định thanh khoản để giảm lãi suất cho vay, thì các ngân hàng cũng phải tiết giảm chi phí, giảm chi phí cho vay và đẩy nhanh xử lý nợ xấu.

"Tài sản không sinh lời tại các ngân hàng giảm sẽ giúp giảm lãi suất vay", ông nhìn nhận. 


Ông Hưng cũng cho biết, đặc điểm ngân hàng Việt Nam là giữ vai trò cung ứng vốn lớn cho nền kinh tế, nhưng trong khi vốn cho vay thường là vốn trung dài hạn thì huy động lại ngắn hạn, dưới 12 tháng. "Giảm lãi suất sẽ là trọng tâm điều hành của Ngân hàng Nhà nước thời gian tới", ông nói thêm.

Trong gần 3 giờ đồng hồ chất vấn, trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội chiều nay, Thống đốc Lê Minh Hưng khá tự tin, lưu loát trước các câu hỏi của đại biểu. Trong lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn sau hơn một năm nhậm chức, phần trả lời của ông cũng được đánh giá đi thẳng và trúng vào vấn đề. Tuy nhiên có vài chỗ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời dài và bị Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc nhở "Thống đốc trả lời văn bản đại biểu sau để tiết kiệm thời gian".

Sáng mai 17/11, Thống đốc Lê Minh Hưng sẽ tiếp tục đăng đàn trả lời các câu hỏi của Đại biểu Quốc hội đến 10h30 trước khi chuyển sang phần trả lời của Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Trương Minh Tuấn

Tương lai khó khăn của Zimbabwe khi Tổng thống bị quản thú

Tổng thống Zimbabwe và quân đội nhiều khả năng đang thương thảo về chuyển giao quyền lực nhưng tương lai của nước này vẫn là điều chưa rõ ràng.

 

tuong-lai-bat-dinh-cua-zimbabwe-khi-tong-thong-bi-quan-thuc

Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe. Ảnh: Rex.

Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe, 93 tuổi, được coi là anh hùng đấu tranh cho độc lập dân tộcÔng Mugabe đã nắm quyền từ năm 1980, kể từ khi Zimbabwe độc lập khỏi thực dân Anh. Ông là thủ tướng thứ nhất của Zimbabwe, giữ chức năm 1980 - 1987 và là tổng thống Zimbabwe từ năm 1987.

Người dân Zimbabwe sửng sốt khi nhà lãnh đạo bị quân đội quản thúc tại gia ngày 15/11, binh lính chiếm giữ các vị trí chiến lược trên khắp thủ đô Harare và kiểm soát truyền hình nhà nước.

Tuần trước, ông Mugabe đột ngột sa thải Phó tổng thống Emmerson Mnangagwa, một trụ cột về quốc phòng và an ninh của nước này.

Mnangagwa, 75 tuổi, từng là một trong những cấp dưới trung thành nhất của Mugabe, đã làm việc cùng ông trong nhiều thập kỷ. Nhưng Mnangagwa đã trốn sang Nam Phi sau khi bị sa thải. Ông viết một bản chỉ trích dài 5 trang về sự lãnh đạo của ông Mugabe và tham vọng chính trị của Đệ nhất phu nhân Grace Mugabe, 52 tuổi.

tuong-lai-bat-dinh-cua-zimbabwe-khi-tong-thong-bi-quan-thuc-1

Cựu phó tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa. Ảnh: bulawayo24.

Mnangagwa và bà Grace từ lâu đã đấu đá lẫn nhau. Cả hai đều được coi là những ứng viên hàng đầu để kế nhiệm ông Mugabe. Ông Mnangagwa có sự ủng hộ ngầm của lực lượng vũ trang, những người coi bà Grace chỉ là một "tay mơ". Động thái sa thải Mnangagwa được cho là nhằm dọn đường để bà Grace ngồi lên chiếc ghế quyền lực.

Sau khi ông Mnangagwa bị sa thải, Tư lệnh quân đội Constantino Chiwenga tổ chức một cuộc họp báo chưa từng có tiền lệ vào ngày 13/11, cảnh báo ông sẽ can thiệp nếu Tổng thống tiếp tục thanh trừng nội bộ đảng ZANU-PF cầm quyền.

Kudzai Chipanga, lãnh đạo đoàn thanh niên của ZANU-PF, người trung thành với bà Grace Mugabe, xuất hiện trên truyền hình quốc gia vào tối 15/11 sau khi truyền thông đưa tin rằng anh này đã bị quân đội bắt.

Chipanga xin lỗi vì đã chỉ trích ông Chiwenga khi viên tướng này cảnh báo sẽ can thiệp. "Tôi mong tướng Chiwenga chấp nhận lời xin lỗi của tôi, thay mặt cho đoàn thanh niên và bản thân tôi. Chúng tôi vẫn còn trẻ, chúng tôi vẫn đang trưởng thành và học hỏi từ sai lầm", Chipanga nói trên truyền hình. Đây là dấu hiệu cho thấy quân đội đang nhắm mục tiêu vào những người ủng hộ Đệ nhất phu nhân.

tuong-lai-bat-dinh-cua-zimbabwe-khi-tong-thong-bi-quan-thuc-2

Đệ nhất phu nhân Grace Mugabe. Ảnh: AFP.

Mặc dù ông Mugabe và bà Grace chưa đưa ra tuyên bố kể từ khi quân đội can thiệp, nhiều người Zimbabwe hy vọng khủng hoảng sẽ đánh dấu sự khởi đầu của một tương lai thịnh vượng hơn.

"Tình hình kinh tế của chúng tôi xấu đi mỗi ngày - không có việc làm", Tafadzwa Masango, một người đàn ông thất nghiệp 35 tuổi nói.

"Chúng tôi hy vọng về một Zimbabwe tốt hơn sau thời của Mugabe. Chúng tôi cảm thấy rất vui. Đã đến lúc ông ấy rời ghế rồi".

Các cư dân của Harare phần lớn không bận tâm đến sự hiện diện của quân đội trên đường phố và vẫn tiếp tục sinh hoạt như bình thường. Phóng viên quốc tế tại Zimbabwe cho biết không có bất ổn hay bạo loạn, nhiều người dường như chấp nhận việc Tổng thống Mugabe bị quản thúc.

Cộng đồng quốc tế đang theo dõi chặt chẽ giai đoạn tiếp theo của cuộc khủng hoảng. Ngày 15/11, Liên minh Châu Phi đưa ra tuyên bố nói rằng tình hình "có vẻ giống như một cuộc đảo chính", kêu gọi quân đội Zimbabwe rút lui và tôn trọng hiến pháp.

Anh, từng là bên cai trị Zimbabwe vào thời thuộc địa, kêu gọi bình tĩnh và phản đối việc trao quyền cho một nhà lãnh đạo không được dân bầu.

Theo BBC, những người đang nắm quyền ở Zimbabwe - binh lính và thường dân - đang cố gắng thuyết phục thế giới rằng đây không phải là một cuộc đảo chính quân sự. Để làm được việc đó, họ cần thuyết phục được ông Mugabe đưa ra tuyên bố để hợp thức hóa binh biến trong những ngày qua. Câu hỏi lớn hiện giờ là ông Mugabe có đồng ý hay không và nếu làm vậy thì ông được gì?

Các nhà phân tích cũng cho rằng ông Mugabe và quân đội đang thương thảo về việc chuyển giao quyền lực. "Tôi nghĩ ông Mugabe vẫn có thể ở lại trong nước. Tôi cho rằng họ vẫn muốn giữ ông ấy như một biểu tượng giải phóng đất nước và tôn trọng ông ấy", Derek Matyszak, một nhà phân tích thuộc Viện Nghiên cứu An ninh tại Pretoria, đánh giá.

"Điều khó khăn cho gia đình Mugabe là việc đảm bảo an toàn cho bà Grace nếu ông Robert phải rời ghế".