Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2017

Những hoạt động đầu năm học: Không được rầm rộ, gây quá tải

Đây là một trong những yêu cầu của Bộ GD-ĐT tại công văn số 3745/BGDĐT-GDCTHSSV về hướng dẫn các sở giáo dục và đào tạo một số hoạt động đầu năm học 2017-2018.

Ảnh minh họa
Theo đó, công văn hướng dẫn các sở về các công tác đầu năm như đón học sinh đầu cấp học; tổ chức các hoạt động tìm hiểu về nhà trường; tìm hiểu về chương trình giáo dục; hướng dẫn tham gia một số hoạt động trong và ngoài nhà trường...

Các ​sở, ​phòng ​giáo dục và đào tạo chỉ đạo triển khai tổ chức các hoạt động đầu năm học ở tất cả các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học, giáo dục thường xuyên trên địa bàn. Tùy theo kế hoạch của mỗi trường, các hoạt động này có thể tổ chức ngay sau khi học sinh tựu trường hoặc trong thời gian chuẩn bị khai giảng năm học mới.

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu việc tổ chức các hoạt động đầu năm học phải đảm bảo được niềm tin, động lực học tập cho học sinh và không khí vui tươi phấn khởi trong nhà trường. Tất cả các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học, giáo dục thường xuyên cần xây dựng quy định về văn hóa nhà trường, xây dựng và thực hành quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường.

Các hoạt động cần phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo, tự quản của học sinh, gắn với các hoạt động xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường học thân thiện, học sinh tích cực, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh thân thiện từ đầu. Cần phát huy vai trò dẫn dắt của học sinh lớp trên đối với việc tham gia các hoạt động giáo dục, hoạt động tập thể của học sinh lớp dưới.

 

Tại Hà Nội: Khoản học phí các trường công lập tăng gần 40%

 
Năm học 2017 - 2018, các trường công lập trên địa bàn TP Hà Nội tăng học phí lên gần 40%

VTV.vn -Trong năm 2017-2018, mức học phí giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông các trường công lập trên địa bàn TP Hà Nội được điều chỉnh tăng từ 37,5%-40% so với năm học 2016-2017.

HĐND TP Hà Nội vừa thông qua quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập và mức học phí đối với Trường trung cấp Kinh tế kỹ thuật Bắc Thăng Long, Trường trung cấp Kỹ thuật Tin học Hà Nội năm học 2017 - 2018.

Theo nghị quyết, mức học phí các trường mầm non và phổ thông công lập của Hà Nội sẽ tăng từ 37,5% - 40% trong năm học 2017 - 2018. Cụ thể, mức học phí của giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên sẽ được điều chỉnh tăng ở cả 3 khu vực gồm thành thị, nông thôn, miền núi.

Đối với khu vực thành thị, mức học phí năm học 2017 - 2018 là 110.000 đồng/tháng/học sinh, tăng 30.000 đồng so với năm học 2016 - 2017 (tăng khoảng 37,5%).

Khu vực nông thôn có mức học phí năm học 2017 - 2018 là 55.000 đồng/tháng/học sinh, tăng 15.000 đồng so với năm học 2016 - 2017 (tăng 37,5%).

Khu vực miền núi có mức học phí năm học 2017 - 2018 là 14.000 đồng/tháng/học sinh, tăng 4.000 đồng so với năm học 2016 - 2017 (tăng 40%).

TP Hà Nội dự kiến tổng số tiền thu học phí trên địa bàn thành phố theo mức trên là khoảng 654 tỷ đồng, tăng khoảng 178 tỷ đồng so với năm học 2016 - 2017, trong đó khu vực thành thị tăng 109 tỷ đồng, khu vực nông thôn tăng 68 tỷ đồng, khu vực miền núi tăng 0,566 tỷ đồng. Tiền thu học phí chiếm tỷ lệ 7,7% tổng số chi hoạt động thường xuyên của đơn vị.

UBND TP Hà Nội cho biết, một phần số tiền thu từ việc tăng học phí để thực hiện cải cách tiền lương của giáo viên theo quy định. Phần tiền còn lại để hỗ trợ chi sự nghiệp giáo dục hàng năm.

Ngoài ra, mức học phí năm 2017 - 2018 của trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bắc Thăng Long và Trung cấp Kỹ thuật Tin học Hà Nội, được HĐND thống nhất điều chỉnh tăng 100.000 đồng so với năm học 2016 - 2017.

Trường mầm non tại vùng khó khăn được miễn học phí

 
(Ảnh minh họa: Báo Nhân dân)

VTV.vn - Từ năm 2018, bậc mầm non, trẻ em 5 tuổi ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được miễn học phí.

Chính phủ thống nhất thực hiện chính sách miễn học phí đối với giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ năm 2018. Quyết định này của Chính phủ nhằm đảm bảo, mọi đối tượng trong độ tuổi đều được tiếp cận với giáo dục, hạn chế tình trạng bỏ học và tăng tỷ lệ trẻ em đến trường ở các vùng đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, Chính phủ đồng ý tiếp tục thực hiện các chính sách được quy định tại Quyết định số 1033/QĐ-TTg ngày 30/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng ĐBSCL, các tỉnh Tây Nguyên và những huyện miền núi của các tỉnh giáp Tây Nguyên cho đến hết ngày 31/12/2020.