Thứ Bảy, 9 tháng 12, 2017

Ba chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam liên tiếp vướng lao lý

Ông Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Quốc Khánh cùng bị bắt về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

ba-chu-tich-tap-doan-dau-khi-viet-nam-lien-tiep-vuong-lao-ly

Ông Đinh La Thăng. Ảnh: Bộ Công an

Tính đến ngày 8/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt ba người từng là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để điều tra về các hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tham ô tài sản. Hai người trong số này từng là Đại biểu Quốc hội.

Ông Đinh La Thăng trong giai đoạn năm 2006-2011 đã giữ vị trí "số một" tại PVN như Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN rồi Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN. Ngày 8/12 sau nhiều năm chuyển sang làm Bộ trưởng Giao thông, Bí thư Thành uỷ TP HCM và Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương, ông bị bắt với cáo buộc liên quan các sai phạm khi làm việc tại PVN.

Theo thông báo của Bộ Công an, ông Thăng liên quan trách nhiệm trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại PVN, gây thiệt hại 800 tỷ đồng khi PVN góp vốn vào Oceanbank và vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Theo đó, vào tháng 9/2008, lãnh đạo PVN ký thỏa thuận với ông Hà Văn Thắm (Chủ tịch HĐQT OceanBank) về tham gia góp 20% vốn điều lệ vào nhà băng này, chia làm ba đợt. Nhà chức trách xác định số tiền góp vốn 800 tỷ đồng có nguồn gốc hình thành từ kết quả sản xuất kinh doanh của PVN. OceanBank sau đó có nhiều sai phạm đã bị Ngân hàng Nhà nước mua với giá 0 đồng và hàng loạt lãnh đạo hầu tòa. PVN lúc này phải chấm dứt tư cách cổ đông và toàn bộ các quyền, nghĩa vụ tại OceanBank nên lỗ 800 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra cho rằng việc góp vốn đợt ba vào thời điểm Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2011) quy định một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Do vậy, việc này là trái luật.

Ông Thăng cũng bị cáo buộc liên quan đến sai phạm của PVC(công ty con của PVN) tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 có tổng mức đầu tư hơn 34.295 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD). Tại dự án này, ông Thăng do chỉ định gói thầu EPC nên vi phạm các quy định của pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng.

ba-chu-tich-tap-doan-dau-khi-viet-nam-lien-tiep-vuong-lao-ly-1

Ông Nguyễn Quốc Khánh trước khi bị bắt. 

Ông Nguyễn Quốc Khánh (57 tuổi), nguyên chủ tịch Hội đồng thành viên PVN giai đoạn 2016-2017. 9 tháng trước, ông về nhận công việc mới tại Bộ Công thương, theo quyết định của Thủ tướng.

Ông Khánh bị bắt và khởi tố cùng ngày và cùng tội danh với ông Đinh La Thăng. Ngoài liên quan hai vụ án đang bị điều tra cùng ông Đinh La Thăng, theo kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, ông Khánh phải chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn trong nhiệm kỳ 2010 -2015.

Ông Khánh cũng được cho là phải chịu trách nhiệm trong việc tham mưu quyết định chỉ định gói thầu EPC Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng. Có trách nhiệm liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm tại Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ và các dự án Nhiên liệu sinh học.

Ông Nguyễn Xuân Sơn giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN vào tháng 7/2014. Một năm sau, ông bị bắt với cáo buộc lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây hậu quả nghiêm trọng; Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

ba-chu-tich-tap-doan-dau-khi-viet-nam-lien-tiep-vuong-lao-ly-2

Ông Nguyễn Xuân Sơn bị áp giải tại toà. Ảnh: Ngọc Thành

Ngay sau khi bị cho thôi chức vụ, ông Sơn bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt tạm giam. Cuối tháng 9 vừa qua, trong vụ án xét xử 51 người liên quan hàng loạt sai phạm tại OceanBank, ông Sơn bị tuyên án tử hình cho ba tội danh. Tháng 10/2017, ông Bản án xác định, do PVN là cổ đông góp 20% vốn tại OceanBank, năm 2008, ông Nguyễn Xuân Sơn được PVN cử sang OceanBank giữ chức Tổng giám đốc. Trong thời gian này, lợi dụng vị thế PVN là đối tác chiến lược, ông Sơn đã yêu cầu Chủ tịch HĐQT OceanBank Hà Văn Thắm chi lãi suất ngoài hợp đồng cho PVN, giao tiền cho mình toàn quyền quyết định... Ông bị toà tuyên phạm tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt 266 tỷ đồng, Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế làm thất thoát 297 tỷ đồng và tham ô 49 tỷ đồng.

Hiện, ông Sơn tiếp tục là bị can trong vụ án PVN mất 800 tỷ đồng khi góp vốn vào OceanBank.

Cũng liên quan các sai phạm tại PVN, ngoài ba cựu chủ tịch thành viên tập đoàn này, nhà chức trách đã truy cứu trách nhiệm hình sự với hàng loạt cán bộ của PVN như ông Ninh Văn Quỳnh (nguyên kế toán trưởng, phó tổng giám đốc), Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường (nguyên thành viên Hội đồng thành viên PVN) về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Công ty do em trai ông Đinh La Thăng lãnh đạo làm ăn bết bát

Doanh nghiệp có tổng tài sản từ 700-800 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận mỗi năm chỉ vỏn vẹn vài tỷ đồng. 

Ông Đinh Mạnh Thắng, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà (PVSD, Mã CK: SDP), em trai ông Đinh La Thăng vừa bị bắt để điều tra hành vi tham ô tài sản. Trước đó, ông Đinh La Thăng cũng bị bắt ngày 8/12. 

PVSD - đơn vị liên doanh giữa Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Sông Đà tiền thân là Công ty cổ phần Thương mại và Vận tải Sông Đà được thành lập năm 2003 theo Quyết định của Bộ Xây dựng. Công ty có lĩnh vực kinh doanh chủ yếu gồm xây lắp các công trình xây dựng công nghiệp dân dụng, nhập khẩu nguyên liệu, vật liệu phục vụ cho sản xuất vật liệu xây dựng, kinh doanh xăng dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ, phụ gia khoan, kinh doanh nhà đất, đầu tư bất động sản, kinh doanh khách sạn và dịch vụ du lịch...

cong-ty-do-em-trai-ong-dinh-la-thang-lanh-dao-lam-an-bet-bat

Một trong những dự án PVSD đóng vai trò cung cấp vật tư. Ảnh: PVSD

Sinh năm 1962, ông Thắng từng tốt nghiệp kỹ sư xây dựng và thạc sĩ quản trị kinh doanh. Trước khi gia nhập PVSD vào năm 2004, từ 1986, ông Thắng từng có nhiều năm gắn bó với các công ty trực thuộc Tập đoàn Sông Đà ở các vị trí khác nhau. Cụ thể như Tổng giám đốc Xí nghiệp Sông Đà 12.6, Cán bộ phòng Vật tư tiêu thụ - Công ty cung ứng vật tư Sông Đà, Xí nghiệp Bê tông nghiền sàng - Tổng công ty Xây dựng Thủy điện Sông Đà. 

Khi gia nhập PVSD năm 2004, ông giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc. Từ 2006, sau khi chuyển giao chức vụ Tổng giám đốc cho các cá nhân khác, ông Thắng còn kiêm thêm vai trò Bí thư Đảng ủy. Ông giữ những chức vụ này cho đến ngày 15/4 vừa qua HĐQT PVSD thông qua việc miễn nhiệm và giao cho một người khác đảm nhiệm.  

Hiện ông Thắng vẫn nắm giữ tổng cộng 746.000 cổ phiếu SDP. Theo giá thị trường hiện nay, khối lượng cổ phiếu này trị giá khoảng 2,7 tỷ đồng.

Trong 10 năm ông Thắng đóng vai trò lãnh đạo cao nhất của PVSD, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp không mấy khả quan. Thậm chí, một số năm lợi nhuận công ty báo số âm, nhưng nhờ các nguồn thu khác bù đắp giúp PVSD thoát lỗ. 

Hơn 3 năm trở lại đây, lợi nhuận của công ty cũng không được cải thiện, tỷ suất sinh lời trên doanh thu rất thấp. Với quy mô tổng tài sản luôn dao động từ 700 đến 800 tỷ đồng, doanh thu mỗi năm 500-700 tỷ, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn vài tỷ đồng. 

Cụ thể, năm 2014, doanh thu 578 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 7 tỷ. Năm 2015, dù có doanh thu bán hàng đạt tới 710 tỷ đồng, song lợi nhuận công ty chưa đầy 2,5 tỷ. Năm 2016, hoạt động kinh doanh của công ty càng sa sút khi doanh thu chỉ đạt 465 tỷ đồng, lợi nhuận 5,2 tỷ. 

Đặc biệt, 3 quý đầu năm nay, kết quả kinh doanh của PVSD không chỉ giảm về doanh thu thuần với hơn 180 tỷ đồng, mà còn ghi nhận khoản lỗ 2 tỷ. 

Trong những năm ông Thắng điều hành PVSD, mức thù lao cho ban lãnh đạo, trong đó có chức vụ Chủ tịch HĐQT được Đại hội cổ đông thông qua thường tính theo tỷ lệ hoàn thành kế hoạch, khoảng trên 300 triệu mỗi năm. Tuy nhiên, đến hết năm, các khoản thù lao chi trả thường vượt mức được thông qua.

Ông Đinh La Thăng bị bắt

Do liên quan hai vụ án cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế, ngày 8/12 ông Đinh La Thăng bị bắt, khởi tố.

Ông Đinh La Thăng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) khởi tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 165 Bộ luật Hình sự.

ong-dinh-la-thang-bi-bat

Ôtô biển xanh đỗ trước khu nhà ông Đinh La Thăng. Ảnh: Phạm Dự.

Tối cùng ngày, lệnh khám xét nhà ông Thăng được thực thi. 18h45, một ôtô bảy chỗ biển xanh đi vào sảnh tòa chung cư ông Thăng ở tại khu đô thị Sông Đà (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ngay lập tức, một cánh cổng vào chung cư bị đóng và chỉ mở khi có ôtô ra vào. 19h15, cổng đóng hoàn toàn, nhiều công an mặc sắc phục đi vào. 

Phía ngoài có hơn 10 người đàn ông mặc thường phục đi lại quan sát. Khi có người đứng ở sảnh chung cư, những người này sẽ tới đề nghị đi ra chỗ khác.

"Tòa nhà đang có việc quan trọng, yêu cầu không tập trung đông người", một bảo vệ nói.

20h30, chiếc xe biển xanh rời đi, chở theo nhiều người. Các cảnh sát khu vực không còn túc trực ở khu vực cầu thang.

ong-dinh-la-thang-bi-bat-1

Cánh cổng vào  chung cư được đóng lại khi cảnh sát thực thi lệnh khám nhà ông Thăng. Ảnh: Phạm Dự.

Trước đó trong chiều 8/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua "nghị quyết về việc khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét và tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội" với ông Đinh La Thăng.

Bộ Công an cho hay ông Đinh La Thăng liên quan đến hai vụ án kinh tế nghiêm trọng mà cơ quan công an đang điều tra. Đó là vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc góp vốn của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank) và vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) và Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình II.

Theo nhà chức trách, Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan An ninh điều tra đang mở rộng vụ án.

ong-dinh-la-thang-bi-bat-2

Ông Đinh La Thăng. Ảnh: CTV

Trước giữ cương vị Bộ trưởng Giao thông Vận tải nhiệm kỳ 2011-2016, giai đoạn năm 2006-2011, ông Thăng làm Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN rồi Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên.

Ông Đinh La Thăng từng là Ủy viên Bộ Chính trị, một trong 19 người giữ vị trí cao nhất của Đảng. Hồi tháng 5, ông bị cách chức Ủy viên Bộ Chính trị, đồng thời phải rời ghế Bí thư Thành ủy TP HCM sau quyết định kỷ luật của Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Bảy tháng trước, ông được điều chuyển làm Phó ban Kinh tế Trung ương. Đây cũng là khoảng thời gian "kín tiếng" nhất của ông kể từ khi làm bộ trưởng.

Theo báo cáo trình Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương của Ủy ban Kiểm tra Trung ương ngày 27/4, Ban thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giai đoạn 2009-2015 đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát, quản lý tổ chức đảng, đảng viên dẫn đến nhiều khoản đầu tư của Tập đoàn bị tổn thất, khó thu hồi với tổng số tiền rất lớn.

Là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN từ 2009 đến 2011, ông Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm người đứng đầu về những sai phạm của PVN trong giai đoạn này.

Cho rằng những khuyết điểm, vi phạm của ông Đinh La Thăng là "rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân", Ban chấp hành Trung ương Đảng đã bỏ phiếu với tỷ lệ 90% đồng ý kỷ luật cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khoá XII.

Em trai ông Đinh La Thăng bị bắt

Ông Đinh Mạnh Thắng (cựu chủ tịch HĐQT Công ty dầu khí Sông Đà) bị bắt để điều tra hành vi tham ô tài sản.

Sáng 9/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt ông Đinh Mạnh Thắng (55 tuổi) để điều tra hành vi tham ô tài sản. Ông Thắng bị xử lý hình sự khi nhà chức trách mở rộng điều tra vụ án Tham ô tài sản xảy ra tại Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower Land) và Công ty Cổ phần Minh Ngân.

Cơ quan công an thông báo đang tập trung lực lượng điều tra mở rộng vụ án và "triệt để thu hồi tài sản cho Nhà nước".

Ông Thắng là Bí thư đảng ủy, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thương mại và vận tải Sông Đà (nay là Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại dầu khí Sông Đà) từ tháng 5/2006. Tháng 4/2017, tại đại hội cổ đông thường niên, ông bị miễn nhiệm chức chủ tịch hội đồng quản trị vì lý do cá nhân.

Một ngày trước, anh trai ông Thắng là ông Đinh La Thăng - nguyên chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên ủy viên Bộ Chính trị - bị bắt với cáo buộc liên quan hai vụ án kinh tế xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) dưới thời ông làm Chủ tịch Hội đồng thanh viên.

Chelsea thua đau đội tại nhóm xuống hạng của David Moyes

West Ham giành chiến thắng 1-0 trước nhà đương kim vô địch ở trận đấu sớm vòng 16 giải Ngoại hạng Anh.

chelsea-thua-doi-trong-nhom-xuong-hang-cua-david-moyes

Pha dứt điểm ghi bàn thắng duy nhất trận đấu của Arnautovic. Ảnh: AFP.

chelsea-thua-doi-trong-nhom-xuong-hang-cua-david-moyes-1

Niềm vui của cầu thủ người Áo và đồng đội. Ảnh: Reuters.

Bàn thắng: Arnautovic 6'

David Moyes đã có chiến thắng đầu tiên sau năm trận dẫn dắt West Ham. Điều đặc biệt hơn khi đội bóng của chiến lược gia người Scotland đánh bại nhà đương kim vô địch Chelsea trong trận derby London. 

Pha lập công duy nhất của trận đấu được Marko Arnautovic thực hiện sau pha bật tường với Manuel Lanzini và dứt điểm lòng trong đánh bại thủ thành Thibaut Courtois.

Chiến thắng này chưa giúp West Ham thoát khỏi nhóm đèn đỏ nhưng họ đang có cùng 13 điểm với đội xếp thứ 17 là West Brom. Bên cạnh đó, HLV David Moyes cũng giúp đội bóng cũ Man Utd bớt một phần áp lực bằng việc giữ chân Chelsea ở vị trí thứ ba. Trong trận derby Manchester ngày mai, Man Utd sẽ tiếp tục đứng nhì bảng ngay cả khi thất bại.

chelsea-thua-doi-trong-nhom-xuong-hang-cua-david-moyes-2

Một tình huống lăn xả của cầu thủ West Ham để ngăn chặn pha đá phạt của Chelsea. Ảnh: Reuters.

Trận đấu trên sân vận động London chứng kiến kịch bản quen thuộc với cả hai đội ở vòng đấu trước nhưng kết cục thay đổi hoàn toàn. West Ham ở trận thứ hai liên tiếp ghi bàn mở tỷ số trước một đại gia đã không để ba điểm trôi qua một cách nuối tiếc như khi thua ngược Man City. Trong khi đó Chelsea đã lội ngược dòng để đánh bại Newcastle với tỷ số 3-1 ở trận gần nhất nhưng không thể ghi nổi một bàn trong hơn 80 phút trước West Ham.

Sự thay đổi của HLV David Moyes trong khung thành đã phát huy hiệu quả. Thủ môn Adrian trong ngày thay thế Joe Hart đã có hai pha cứu thua xuất sắc trước giờ giải lao để duy trì thế dẫn trước cho West Ham. Bước sang hiệp hai, hàng thủ West Ham tiếp tục lối chơi lăn xả để bảo toàn tỷ số. Chelsea đã có cơ hội gỡ hòa nhưng Alvaro Morata lại đá ra ngoài trước khung thành trống ở cuối trận.

chelsea-thua-doi-trong-nhom-xuong-hang-cua-david-moyes-3

Morata bất lực trước hàng phòng ngự West Ham. Ảnh: Reuters.

West Ham dưới thời HLV David Moyes đang cho thấy dấu hiệu phục hồi. Sau màn trình diễn ấn tượng khiến đội đầu bảng Man City toát mồ hôi ở vòng trước, West Ham cho Chelsea nếm trái đắng với lối đá phòng ngự chắc chắn. Trên nền móng phòng ngự, các cầu thủ chủ nhà đã trừng phạt đội khách khi tận dụng tối đa các cơ hội. Nếu trọng tài xử lý chính xác, West Ham đã có thể hưởng phạt đền sau khi Andreas Christensen để bóng chạm tay trong nỗ lực truy cản Arnautovic.

Chelsea đã có những cơ hội ngon ăn với Hazard và Morata nhưng lần lượt bị phung phí hoặc bị thủ môn Adrian từ chối. Trong số 19 pha dứt điểm của Chelsea ở trận này thì chỉ có hai cú đi vào khung thành và đều bị Adrian cản phá. Đây là màn trình diễn ấn tượng khiến Joe Hart có thể phải ngồi dự bị trong thời gian tới bất chấp World Cup 2018 kề cận.

Trong trận đấu kế tiếp, West Ham sẽ đối đầu một đại gia khác là Arsenal. Đây sẽ là thử thách lớn với thầy trò HLV David Moyes nhưng họ hoàn toàn có thể giành điểm nếu chơi như trước Man City và Chelsea.