Thứ Hai, 20 tháng 11, 2017

Quốc hội đồng ý cho phá sản ngân hàng yếu kém

Các ngân hàng đã được mua lại 0 đồng hoặc đang bị kiểm soát đặc biệt tạm thời vẫn thực hiện theo phương án cũ đã được duyệt.

Với tỷ lệ 88,8% tán thành chiều 20/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi. Theo đó, luật lần này đã bổ sung phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, gồm phương án phục hồi; sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp, chuyển giao bắt buộc... các ngân hàng quá yếu sẽ được phá sản.

Luật sửa đổi có hiệu lực từ 15/1/2018. Tuy nhiên các ngân hàng đã được kiểm soát đặc biệt, đang thực hiện phương án xử lý và nhà băng đã được mua lại giá 0 đồng trước đây, vẫn tiếp tục thực hiện theo phương án đã được phê duyệt. 

quoc-hoi-dong-y-cho-pha-san-ngan-hang-yeu-kem

Các ngân hàng yếu kém đang được xử lý và đã được mua lại giá 0 đồng sẽ tiếp tục thực hiện theo phương án đã phê duyệt. Ảnh minh họa: A.Q.


Trước đó, trả lời chất vấn Quốc hội ngày 17/11 về vấn đề cho phá sản ngân hàng, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định, trong bất cứ trường hợp nào, các phương án xử lý các tổ chức tín dụng đều phải đặt mục tiêu đầu tiên an toàn hệ thống, củng cố lòng tin của người dân vào hệ thống ngân hàng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và không để gây đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát. "Như vậy, quan điểm mục tiêu xuyên suốt trong chỉ đạo của Đảng, nhà nước phải đảm bảo quyền và lợi ích người gửi tiền", ông nói.

Báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật sửa đổi trước đó, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, qua thảo luận ở tổ và hội trường một số ý kiến đề nghị cần quy định Nhà nước phải thực hiện vai trò người mua cuối cùng với ngân hàng yếu kém bị kiểm soát đặc biệt. Tuy nhiên, qua thẩm tra Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy dự thảo Luật đã bổ sung phương án chuyển giao bắt buộc và quy định một số biện pháp hỗ trợ khi thực hiện phương án này. Thực chất những phương án này là cho tổ chức tín dụng thêm cơ hội để phục hồi.

"Trường hợp không thể thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc thì thực lực của số ngân hàng yếu kém đã quá 'yếu', nếu Nhà nước mua lại cũng sẽ tạo gánh nặng và rủi ro, không phù hợp với quy luật của thị trường", ông Thanh cho biết. 

Trước ý kiến cho rằng quy định giao Chính phủ thẩm quyền xử lý trong giai đoạn kiểm soát đặc biệt là không phù hợp bởi có thể quá trình sẽ kéo dài, phức tạp..., Thường vụ Quốc hội cho rằng, đa số các trường hợp xử lý nhà băng bị kiểm soát đặt biệt đều thuộc thẩm quyền của Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước.

"Việc thực hiện phương án phá sản, giải thể, chuyển giao bắt buộc ngân hàng được kiểm soát đặc biệt có khả năng gây ảnh hưởng và tác động lớn đến an toàn hệ thống, trật tự an toàn xã hội, do vậy cần giao thẩm quyền quyết định chủ trương áp dụng và phê duyệt cho Chính phủ để quá trình xem xét, quyết định cẩn trọng, cân nhắc toàn diện", cơ quan thường trực của Quốc hội nêu quan điểm.

Cơ quan này cũng cho rằng, mục đích quan trọng nhất của hỗ trợ cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém là nhằm ổn định, không để đổ vỡ hệ thống. Do đó, không nhất thiết đặt ra yêu cầu tính toán trả lại chi phí vốn đã hỗ trợ cho các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt sau 5-7 năm như nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội nêu trước đó.

Nguyên nhân 4 bé tử vong đợi kết luận điều tra - BV nhi Bắc Ninh

Lãnh đạo Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh chiều 20/11 cho biết các hồ sơ bệnh án đã được niêm phong phục vụ công tác điều tra nguyên nhân.

Họp báo chiều cùng ngày, ông Nguyễn Minh Hiệp, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh thông tin, sáng 20/11 bệnh viện có 4 ca đẻ non suy hô hấp tử vong. "Chúng tôi đang phối hợp Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Bạch Mai và cơ quan điều tra để làm rõ nguyên nhân", ông Hiệp nói.

Theo ông Hiệp, đây là lần đầu tiên xảy ra sự cố này tại bệnh viện. Hồ sơ bệnh án đang được niêm phong để phục vụ công tác điều tra. 

Trong họp báo, có rất nhiều câu hỏi được các phóng viên đặt ra, tuy nhiên ông phó giám đốc bệnh viện lắc đầu xin phép không trả lời và rời đi sau 2 phút bắt đầu họp báo. 

benh-vien-san-nhi-bac-ninh-nguyen-nhan-4-be-tu-vong-cho-ket-luan-dieu-tra

Ông Nguyễn Minh Hiệp, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh, họp báo chiều 20/11. 

Chỉ trong buổi sáng 20/11, có 4 bé sơ sinh, sinh non đang điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh tử vong. Theo lãnh đạo bệnh viện, các bé đều yếu do sinh non 7-8 tháng thai, nhiều trường hợp đã được bác sĩ tiên lượng trước với gia đình. Lãnh đạo bệnh viện cho rằng việc cùng lúc 4 bé tử vong là không bất thường ở viện. Do đây là tuyến đầu sản nhi của tỉnh nên nhiều ca sơ sinh nặng ở các huyện đều được đưa về đây. Do đó tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong của bệnh viện khá cao, có ngày đến 5-6 bé mất. 

benh-vien-san-nhi-bac-ninh-nguyen-nhan-4-be-tu-vong-cho-ket-luan-dieu-tra-1

Khu vực cách ly ở phòng chăm sóc đặc biệt trẻ sinh non ở Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh. Ảnh: Nam Phương.

Khoa sơ sinh nằm ở tầng 5 bệnh viện, có hơn 10 buồng bệnh, phòng nhiều thì 10 giường, ít 4-5 giường cho cả mẹ và con. Những trường hợp bé sơ sinh tình trạng nặng sẽ nằm lồng ấp ở phòng cách ly. Ở khu vực này, người nhà không được vào mà đứng ngoài cửa, khi nào cần thì bác sĩ gọi.

Theo người nhà bệnh nhi, mấy hôm trước khoa sơ sinh rất đông, phải nằm ghép 2 bé, còn hôm nay một số đã ra viện. Nhiều người đang đợi chuyển con lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Dự kiến 9 bé sẽ được viện Bắc Ninh chuyển đến Nhi Trung ương.

Bộ Y tế đã yêu cầu bệnh viện giải trình khẩn cấp vụ việc. Trong khi đó bốn gia đình đều bày tỏ sự bất ngờ khi nhận được điện thoại từ bệnh viện báo hung tin về con mình.  

4 bé sơ sinh tử vong trong một buổi sáng tại Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh

Sáng 20/11, bốn em bé sơ sinh, sinh non tử vong tại Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh.

Ông Lê Văn Nam, Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh, cho biết cso 4 trẻ sơ sinh sinh non tử vong trong sáng hôm nay. Các bé đều đang điều trị tại viện từ 3 đến 10 ngày. Các bé đều là trẻ sinh non, yếu, nhẹ cân và kèm bệnh lý bẩm sinh, phải thở máy, nằm lồng ấp. Có trẻ chào đời khi mới 7-8 tháng tuổi thai. Trong bốn trường hợp này, có bé đã được bác sĩ tiên lượng trước nguy cơ xấu nhất với gia đình. 

Theo ông Nam, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh là viện tuyến đầu tỉnh, bệnh nhân nặng ở tuyến huyện đều được đưa về đây. Do đó số lượng trẻ sơ sinh non yếu điều trị ở bệnh viện rất lớn. Bệnh viện đang điều trị cho 90 trẻ thì có đến 30 cháu phải thở máy, nằm lồng ấp.

"Việc các trẻ sinh non tử vong cùng lúc không có gì bất thường, có những ngày 5-7 cháu tử vong tại bệnh viện. Chúng tôi đã liên hệ với Bệnh viện Nhi Trung ương và xin chuyển 6 bé nặng nhất đến", ông Nam cho biết. 

Theo ông Nam, 4 bé hôm nay tử vong vào đúng thời điểm một bé hai tháng tuổi chết sau khi tiêm kháng sinh, do đó người nhà bệnh nhi bức xúc. Tuy nhiên, không có chuyện cả 4 trẻ tử vong sau tiêm thuốc.  Thời điểm này bệnh viện liên tục báo cáo Sở Y tế mọi hoạt động trong ngày liên quan đến vấn đề khám, điều trị.

Chiều cùng ngày, một nhóm bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã đến Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh để hỗ trợ đồng nghiệp. Sở Y tế tỉnh cùng với các chuyên gia đang họp tìm hiểu nguyên nhân sự việc.  

Ngày 16/11, tại bệnh viện này, sau mũi tiêm kháng sinh bệnh nhi hai tháng tuổi có biểu hiện vật vã, nổi vân tím, khó thở. Bé được xử trí cấp cứu theo phác đồ sốc phản vệ, tuy nhiên không qua khỏi. Trong hơn 10 ngày nằm viện, bệnh nhi đã được tiêm 7 mũi kháng sinh cùng loại. Toàn bộ lô, vỏ thuốc tiêm cho bệnh nhi đã được niêm phong; thuốc sử dụng tiêm cũng được lưu tại bệnh viện. Hiện chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân bệnh nhi tử vong.