Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2017

Vì sao 17 cán bộ ở Sơn La bị khởi tố?

Các cán bộ sai phạm trong khâu đo đạc, lập bản đồ địa chính, thu hồi đất, bồi thường không đúng quy định, gây thiệt hại cho nhà nước.

Chiều 19/11, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La chủ trì cuộc họp cung cấp thông tin về việc 17 người bị khởi tố vì sai phạm trong thực hiện chính sách di dân dự án thủy điện Sơn La.

Thượng tá Trần Thanh Sơn, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Sơn La, cho biết qua công tác nghiệp vụ, nhà chức trách tỉnh phát hiện dấu hiệu vi phạm trong bồi thường và hỗ trợ đất nông nghiệp khu vực giải phóng mặt bằng xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La. Quá trình điều tra, công an xác định hành vi của 17 người (trong đó có 15 đảng viên) đã cấu thành tội phạm, đủ điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự.

vi-sao-17-can-bo-o-son-la-bi-khoi-to

Ông Trần Thanh Sơn tại cuộc họp. Ảnh: Phạm Trần.

Ngày 15/11, Cơ quan an ninh điều tra tỉnh Sơn La quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 17 bị can về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Thiếu trách nhiệm về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. 15 người đã bị bắt giam, hai người bị cấm đi khỏi nơi cư trú.

Hành vi sai phạm của những người này ở các khâu đo đạc, lập bản đồ địa chính, thẩm định, thu hồi và bồi thường hỗ trợ không đúng quy định, gây thiệt hại cho nhà nước (thời điểm sai phạm từ tháng 4/2014 đến tháng 3/2015).

Trong 17 người có ông Triệu Ngọc Hoan (Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường), ông Trương Tuấn Dũng (Phó giám đốc Sở Tài chính), ông Phan Tiến Diện (Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh).

Những sai phạm của ông Dũng và ông Diện liên quan đến giai đoạn hai ông làm lãnh đạo UBND huyện Mường La. Còn hành vi sai phạm cụ thể của các bị can, thượng tá Trần Thanh Sơn cho biết đang trong quá trình điều tra nên chưa thể cung cấp.

Thủy điện Sơn La nằm trên huyện Mường La, được khởi công năm 2005, hoàn thành năm 2012. Với tổng công suất 2.400 MW, đây là nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. Hàng năm công trình này góp hơn 10 tỷ kWh, chiếm gần 10% sản lượng điện bình quân cả nước.

Đến năm 2015, chi phí xây dựng nhà máy ở mức gần 35.000 tỷ đồng (giữ nguyên so với dự toán); xây dựng công trình giao thông 4.400 tỷ đồng (giảm 662 tỷ đồng). Hạng mục di dân tái định cư tăng hơn 6.100 tỷ đồng.

Danh sách 17 người bị khởi tố:

Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng:

1. Trương Tuấn Dũng (sinh năm 1960) - nguyên Phó chủ tịch huyện Mường La; nguyên Chủ tịch hội đồng bồi thường tái định cư huyện. Lúc bị bắt, ông Dũng là Phó giám đốc Sở Tài chính Sơn La.

2. Phan Tiến Diện (sinh năm 1975) - nguyên Phó chủ tịch huyện Mường La; nguyên Chủ tịch hội đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư huyện. Lúc bị bắt, ông Diện là Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Sơn La.

3. Phan Đức Chính (sinh năm 1961) - nguyên Trưởng ban quản lý di dân tái định cư; nguyên Phó chủ tịch hội đồng bồi thường hỗ trợ, tái định cư huyện Mường La. Lúc bị khởi tố, ông Chính là Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Mường La.

4. Phan Xuân Khoa (sinh năm 1974) - Phó trưởng Ban quản lý di dân tái định cư huyện Mường La.

5. Trần Mạnh Trì (sinh năm 1977) - Phó trưởng ban Ban quản lý di dân tái định cư huyện Mường La; thành viên hội đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư huyện Mường La.

6. Mai Văn Quang (sinh năm 1973) - Phó giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Sơn La.

7. Bùi Văn Tân (sinh năm 1979) - Tổ trưởng tổ đo đạc phòng kỹ thuật thuộc Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Sơn La.

8. Vũ Hồng Giang (sinh năm 1984) - Nhóm trưởng Tổ đo đạc Công ty tư vấn và đo đạc Bảo Bình.

9. Nguyễn Văn Thanh (sinh năm 1970) - Phó trưởng phòng kỹ thuật, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Sơn La.

10. Lê Quang Duy (sinh năm 1986) - Cán bộ tổ thẩm định Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Mường La.

11. Ngô Xuân Vân (sinh năm 1964) - Chuyên viên tổ thẩm định Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Mường La.

12. Tòng Văn Thành (sinh năm 1979) - Nguyên Trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Mường La; thời điểm bị khởi tố là Bí thư xã Chiềng Hoa.

Bị can bị khởi tố về Tội thiếu trách nhiệm về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng:

1. Triệu Ngọc Hoan (sinh năm 1958) - Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Sơn La.

2. Sòi Ngọc Hùng (sinh năm 1967) - Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Sơn La.

3- Đỗ Tiến Đồng (sinh năm 1978) - Giám đốc Trung tâm kỹ thuật, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Sơn La.

4. Cà Văn Tỉnh (sinh năm 1979) - Nguyên cán bộ địa chính xã Tạ Bú (Mường La). Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã Tạ Bú.

Một bị can cơ quan chức năng đang làm rõ.

TPHCM xơ xác sau trận cuồng phong

Mưa giông lớn tối qua đã khiến nhiều nhà dân ở các quận 9, Thủ Đức (TP HCM) bị tốc mái, cây cối ngổn ngang trên nhiều tuyến đường.

Sáng 19/11, nhiều người dân các quận 9, Thủ Đức, Gò Vấp (TP HCM) sửa chữa nhà tốc mái, dọn dẹp đường phố ngổn ngang cây cối do trận mưa giông lớn vào tối qua.

"18h hôm qua, mưa lớn quá khiến nhà tôi bay mất mái. Gia đình hiện tạm gác việc buôn bán để sửa chữa nhà", anh Trần Đình Sơn, thuê nhà bán ốc trên đường số 8 (quận Thủ Đức), nói.

Anh Chương Cam Phúc (quận Thủ Đức) trong căn nhà thuê làm nơi sửa chữa đồ điện tử bị tốc mái. "Mưa lớn đột ngột làm bay mái tôn, nhiều đồ đạc, thiết bị điện tử bày bán trong nhà đều bị hư hết. Ước thiệt hại của gia đình tôi hơn 100 triệu đồng", anh Phúc cho biết.

Một góc nhà trọ của gia đình anh Phúc trống trơn sau trận cuồng phong. Sáng nay, gia đình anh phải thuê xe ba gác để chuyển đồ đạc đến nơi khác ở tạm.

"Trong lúc mưa to gió lớn, tôi đang trú trong nhà thì nghe có tiếng ầm ầm, chạy ra thì thấy toàn bộ mái tôn, khung sắt của nhà đối diện bay sang nhà mình. Cột điện phía trước nhà gãy đôi. Cả nhà đều thót tim", ông Phạm Văn Cơ (đường số 8, quận Thủ Đức) kể.

Gia đình chị Hằng (bán quán) gia cố lại mái tôn bị gió quật. "Sáng nay ra quán thấy tả tơi. Cũng may nhà tôi thuê ở trong hẻm nên không bị ảnh hưởng", chị Hằng nói.

Nhà hàng của gia đình anh Đoàn Quốc Thắng (phường Linh Xuân, quận Thủ Đức) bị sập hoàn toàn. "Mưa lớn, gió giật ầm ầm. Tôi đang trú trong nhà, nghe mái tôn răng rắc như muốn bay. Vừa thấy hơn chục khách cũng đang trú mưa trước mái hiên nhà hàng, tôi thấy bất an, vội la lên để mọi người trú sang nhà kế bên. Mọi người vừa rời thì bức tường, mái tôn của nhà hàng đổ sập. Kinh hoàng", anh Thắng kể.

Cũng theo anh Thắng, trận mưa giông khiến gia đình anh thiệt hại gần 2 tỷ đồng đầu tư quán ăn.

Một nhân viên nhà hàng hải sản thẫn thờ vì ám ảnh trận mưa giông lớn.

Cây cối bật gốc, chắn ngang trước cửa nhà anh Toàn (đường 11, quận Thủ Đức).

Nhân viên điện lực quận Thủ Đức sửa chữa lại các trụ điện điện bị hư hỏng.

Các công nhân môi trường khẩn trương dọn dẹp cây cối gãy đổ nằm la liệt trên đường số 8.

Người dân quận Thủ Đức phối hợp cùng chính quyền địa phương dọn dẹp đường phố.

Thống kê sơ bộ của UBND TP HCM, đã có 149 nhà bị tốc mái, hàng trăm cây xanh gãy đổ tại hai quận 9, quận Thủ Đức sau trận mưa giông tối qua.

Cụ thể, tại quận 9 có 15 căn nhà bị tốc mái, hàng loạt cây xanh bị gãy đổ gây ảnh hưởng giao thông. Còn tại quận Thủ Đức do nằm nằm trúng luồng gió lốc mạnh nên mưa gió khiến 67 nhà ở, 67 phòng trọ bị tốc mái, 134 cây xanh bị bật gốc.

Chiều 18/11, do ảnh hưởng của bão số 14, các tỉnh Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ có mưa to. Trong đó, không chỉ TP HCM, Bà Rịa Vũng Tàu và Bình Dương cũng có gió giật mạnh khiến hàng loạt cây xanh bị bật gốc, nhà tốc mái...

Cuộc sống thiếu điện và nược tại xóm miền Tây ở Sài Gòn

Nhiều năm nay, xóm của dân ngụ cư từ miền Tây lên Sài Gòn làm rẫy vẫn sống trong những căn chòi, chịu cảnh không điện, không nước sạch.

Nằm sâu trong đồng lau sậy bên đường Nguyễn Văn Linh (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP HCM) là một khu đất rộng. Nơi đây, hơn chục năm nay là xóm ngụ cư của những người dân từ miền Tây lên Sài Gòn mưu sinh.

"Hơn chục năm trước, chỉ có một vài người dân lên đây, thấy đất trống nên tôi dựng chòi trồng rau quả. Dần dà, ở đây giờ có khoảng 20 hộ cùng nhau cuốc đất làm rẫy, chứ ở quê hầu như ai cũng không có ruộng đất, thuê gì mần nấy", bà Nguyễn Thị Ba (74 tuổi, quê Cần Thơ) cho hay.

Khu vực này vốn là đất của doanh nghiệp nhưng chưa đầu tư, chủ đất cho cư dân ở đây khai phá để không bị hoang hóa. Hàng ngày, những lô đất mới tiếp tục được làm cỏ, cày xới, đào luống... để trồng dưa leo, bí xanh, bầu, khổ qua...


Bà Võ Thị Mai (51 tuổi, quê Cần Thơ) là một trong những người lên đây làm rẫy từ khá sớm. Hiện, bà thuê một mẫu đất để trồng trọt. "Ở đây ai cũng trồng xen kẽ rau quả, trung bình cứ hơn hai tháng thu hoạch một loại rau rồi bán ngay cho chợ đầu mối Bình Điền. Công việc quần quật từ sáng đến tối", bà nói.

Để có nguồn nước sạch, nhiều hộ phải quây bạt làm bể cạn. Nước được bơm lên từ ao ở cách đó không xa hoặc hứng nước mưa. Nguồn nước này chủ yếu dùng tắm rửa, giặt giũ trong khi ăn uống thì họ phải mua nước bình.

Hai vợ chồng anh Đỗ Văn Giữ (34 tuổi), chị Phan Thị Khen (23 tuổi) vừa rời quê Cần Thơ lên đây. Do chưa có đất làm rẫy nên hai người đi làm thuê cho hộ khác, với mức thù lao khoảng 300.000 đồng một ngày. Buổi chiều muộn, cả hai ra bờ ao tắm.


"Hồi mới tắm thì hơi ngứa nhưng riết thì quen à. Dân đây ai chẳng tắm nước ao tù, chứ làm gì có nước máy để sử dụng đâu", chị Khen nói.

Không điện, cả xóm miền Tây chìm trong bóng tối khi màn đêm buông xuống. Trong chòi của mình, anh Nguyễn Văn Thức dùng đèn pin để chiếu sáng khi sửa xe.

Nguồn điện của cư dân xóm miền Tây đến từ những bình ắc quy. "Mỗi khi sạc phải đi hơn chục cây số với giá 35.000 đồng cho một lần mà chỉ xài chưa được tuần là hết điện", anh Thức cho biết.

Bữa ăn đạm bạc trong ánh đèn lay lắt của gia đình ông Nguyễn Văn Trí (50 tuổi, quê Hậu Giang). Hai vợ chồng ông đều không có ruộng đất, dắt díu nhau lên Sài Gòn bươn chải. Người con trai lớn mới lập gia đình cũng mang cả vợ con lên thành phố trồng rau trái với cha mẹ.

Những đứa trẻ được học lớp học tình thương ở quận 8. Ngày đi học, trưa về trông nhà hoặc phụ cha mẹ bón phân hái rau, đến tối nhiều em mới cặm cùi học bài trong ánh đèn khi tỏ khi mờ.

Nếu không học bài, bọn trẻ cũng chỉ biết làm bạn với điện thoại hay tha thẩn chơi trong xóm rồi đi ngủ sớm.

Buổi tối, như nhiều gia đình khác, cả nhà bảy người của ông Trần Văn Nghĩa (41 tuổi, quê Kiên Giang) chỉ quanh quẩn trong nhà. "Mang tiếng lên thành phố mà cả ngày cứ cắm mặt ở đây làm rẫy chứ có biết Sài Gòn hiện đại như thế nào đâu. Cũng muốn một lần lên trung tâm thành phố chơi mà không dám đi, sợ lạc đường lắm. Thôi thì ngồi tí rồi ngủ sớm, sáng mai lại lo trồng trọt, hy vọng Tết này có đủ tiền về quê", anh Nghĩa cười.

Lớp học bốn thầy trò ở rẻo cao

Bốn thầy trò hàng ngày miệt mài luyện chữ tại điểm trường heo hút cả năm không bóng người qua lại.

Huổi Lụ 2 là điểm trường xa nhất của Trường Tiểu học bán trú Pá Mỳ (Mường Nhé, Điện Biên). Cả xã có 11 điểm trường thì Huổi Lụ 2 cách trung tâm 22 km, đường xá đi lại khó khăn, chỉ có thể men theo đường mòn bên núi, bơi, lội qua suối. Các thầy cô thường luân phiên lên cắm bản, ăn ở và sinh hoạt như người dân bản địa để gieo chữ.

Điểm trường Huổi Lụ 2 chỉ có một học sinh lớp 1 và hai học sinh lớp 2. Học sinh từ lớp 3 sẽ chuyển xuống trường trung tâm học. Trong lớp có hai chiếc bảng, một chiếc dành cho lớp 1 và một chiếc dành cho lớp 2. Nhiều khi, để học sinh không bị phân tâm, thầy phải cho ngồi cùng hướng, trong khi chỉ dạy cho học sinh lớp 2 thì em lớp 1 phải tự học.

"Điểm trường hẻo lánh cách xa bản, nằm bên kia suối, ngày thường các em tự đi bộ đến trường. Những ngày mưa to, hoặc mưa lũ, các thầy phải chèo bè qua sông đón học sinh đến lớp rồi lại đưa về", thầy Bùi Văn Thuận (37 tuổi, quê Thanh Hóa) có hơn 10 năm giảng dạy tại Pá Mỳ cho biết.

Dù nhỏ tuổi, đến mùa làm nương các em vẫn nghỉ ở nhà trông em, hoặc mải chơi không lên lớp thì thầy cô lại phải đến vận động. "Các thầy cô phải biết tiếng dân tộc thì mới hiệu quả trong giảng dạy. Ngày mới vào dạy tại điểm trường, chưa biết tiếng của đồng bào, thầy rất khó tiếp cận để vận động phụ huynh cho trẻ đến lớp", thầy Thuận vui vẻ nói.

Học sinh 100% là người dân tộc, nói tiếng Kinh bập bẹ, việc tập trung cho trẻ rất khó. Khi giảng dạy, thầy cần rất kiên trì, phải sử dụng ngôn ngữ chân tay.

Những buổi học vã mồ hôi của thầy và trò. Thầy Thuận chia sẻ, hơn 10 năm cắm bản, có nhiều lúc khó khăn khiến nản lòng. Nhưng nhìn đám học trò hồn nhiên lại không dứt được, cứ vậy thành quen.

Tẩn Duần Yên (lớp 2), Tràn Thị Hương (lớp 2), Tẩn Mùi Khé (lớp 1) từ trái sang. Những học sinh này là động lực níu giữ chân thầy giáo ở nơi heo hút gió của vùng cao Tây Bắc.

Áp thấp nhiệt đới tan, lũ miền Trung lên nhanh

Hoàn lưu áp thấp nhiệt đới cùng không khí lạnh mạnh gây mưa to từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên, lũ sẽ lên xấp xỉ báo động 3.

Chiều 19/11, sau khi đi vào Ninh Thuận - Bình Thuận gây mưa to, gió mạnh cấp 6, áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão Kigori tiếp tục yếu đi và tan dần.

Các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận đã có mưa rất to, với lượng 50-70 mm. Một số nơi mưa lớn hơn, như: An Nhơn (Bình Định) 100 mm, Quy Nhơn (Bình Định) 110 mm, Tuy Hòa (Phú Yên) 80 mm…

Trong khi đó, không khí lạnh đã tràn đến Trung Trung Bộ gây mưa rất to cho Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Tại Thừa Thiên Huế, trong ba giờ tối 19/11, lượng mưa ở Tà Lương lên tới 163 mm, Bạch Mã 91 mm.

ap-thap-nhiet-doi-tan-lu-mien-trung-len-nhanh

Khu vực trũng thấp như TP Huế có thể bị ngập do mưa lớn. Ảnh minh họa: Võ Thạnh.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, do hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp không khí lạnh, từ đêm 19/11 vùng mưa mở rộng đến Bắc Trung Bộ. Lũ các sông từ Thừa Thiên Huế đến bắc Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum sẽ lên. 

Sớm mai, lũ sông Kôn ở Bình Định, sông Kỳ Lộ ở Phú Yên sẽ đạt đỉnh với mức báo động 2-3. Lũ các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai tiếp tục lên.

Đến khoảng 7h ngày 20/11, mực nước sông Bồ (Thừa Thiên Huế), Trà Khúc (Quảng Ngãi) gần báo động 3; sông Kôn, Kỳ Lộ xuống còn trên báo động 2.

Lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp có thể xảy ra tại các tỉnh Thừa Thiên Huế đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên.

"Hiện Trung Bộ, Tây Nguyên có nhiều hồ chứa xung yếu, nhiều hồ đầy nước, nguy cơ cao mất an toàn đối với các hồ này", cơ quan khí tượng cảnh báo.