Thứ Tư, 6 tháng 12, 2017

Nhà báo Thuận Hữu kiêm giữ chức Phó ban Tuyên giáo Trung ương

Tổng biên tập báo Nhân dân được Bộ Chính trị điều động kiêm giữ chức Phó ban Tuyên giáo Trung ương.

Ngày 6/12, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức Hội nghị triển khai quyết định của Bộ Chính trị, phân công ông Thuận Hữu - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, kiêm giữ chức Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

nha-bao-thuan-huu-kiem-giu-chuc-pho-ban-tuyen-giao-trung-uong

Tổng biên tập báo Nhân dân Thuận Hữu. Ảnh: VGP

Tại Hội nghị, ông Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, nói việc phân công trên là để tiếp tục tăng cường công tác tuyên giáo và truyền thông báo chí trong tình hình mới.

"Đây là một nhiệm vụ quan trọng, khó khăn trong bối cảnh Ban Tuyên giáo Trung ương đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong công tác tuyên truyền, quản lý báo chí - xuất bản, văn hóa -văn nghệ, khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo và một số lĩnh vực xã hội khác", ông Phạm Minh Chính nói và bày tỏ tin tưởng, với sự giúp đỡ tận tình của lãnh đạo và tập thể cán bộ, công chức Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Thuận Hữu sẽ tiếp tục thể hiện được khả năng và bản lĩnh của mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Bộ Chính trị giao cho.

Ông Thuận Hữu tên thật là Nguyễn Hữu Thuận, sinh năm 1958, quê Hà Tĩnh; được bổ nhiệm  Tổng biên tập báo Nhân dân vào năm 2011.

Chủ tịch Hà Nội: Đá lát vỉa hè vỡ vì chọn không đúng kích cỡ, độ dày

Ông Nguyễn Đức Chung nói Hà Nội sẽ đưa Trưởng ban quản lý dự án quận, huyện đi quan sát việc lát đá vỉa hè của Bộ tư lệnh bảo vệ Lăng Bác.

Phát biểu tại phiên chất vấn của HĐND Hà Nội chiều 6/12, Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung nói, thanh tra thành phố đã vào cuộc trước tình trạng lát vỉa hè kém chất lượng tại một số địa bàn và những vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.

Theo ông, thành phố đã đưa ra quy định rất chặt chẽ đối với việc lát lại vỉa hè nhưng "công tác này thời gian qua để lại một dư luận rất xấu với con mắt của cử tri và các nhà quản lý".

chu-tich-ha-noi-da-lat-via-he-vo-vi-chon-khong-dung-kich-co-do-day

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên chất vấn của HĐND TP chiều 6/12. Ảnh: Giang Huy.

"Tôi và Phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực đã trực tiếp đi kiểm tra tại một số điểm lát đá. Nguyên nhân đá vỡ trước hết là việc chọn đá không đúng, không đúng cả kích cỡ và độ dày", ông Chung nói.

Bên cạnh đó, theo ông Chung, việc lát đá vỉa hè ồ ạt cuối năm được làm "với chất lượng rất thấp, rất bừa bãi".

Thời gian tới, lãnh đạo Hà Nội nêu rõ: "Chúng ta chỉ làm lại với ba điều kiện. Một là vỉa hè quá cũ nát không thể không sửa chữa, khắc phục. Hai, vỉa hè đó đã hạ ngầm xong hệ thống cáp viễn thông. Ba, vỉa hè đã được tu sửa, trồng mới toàn bộ cây xanh. Bốn, vỉa hè đã chỉnh trang xong toàn bộ hệ thống ánh sáng… Khi có điều kiện đó thì mới lên kế hoạch lát lại chứ không lát một cách tràn lan".

Theo ông Chung, về tiêu chuẩn đá mẫu để lát, thời gian qua Ban quản lý, Bộ tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lát lại vỉa hè ở một số tuyến đường trên đường Hùng Vương và chùa Một Cột.

"Chúng tôi đã giao Sở Xây dựng đưa trưởng ban quản lý dự án của các quận, huyện lên đó tham khảo và trực tiếp quan sát", Chủ tịch Hà Nội thông tin và nêu rõ, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, trách nhiệm của lãnh đạo quận, huyện để việc lát đá đúng tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng bền, đẹp.

Trong trường hợp các quận, huyện không làm được thì thành phố sẽ không giao việc lát đá nữa, mà đưa về một đơn vị tập trung đảm nhiệm công việc này.

chu-tich-ha-noi-da-lat-via-he-vo-vi-chon-khong-dung-kich-co-do-day-1

Một số điểm lát đá vỉa hè đã bị vỡ sau thời gian ngắn đưa vào sử dung. Ảnh: Phạm Dự.

Theo chủ trương của TP Hà Nội, từ cuối năm 2016 nhiều quận nội thành đã cải tạo vỉa hè bằng đá tự nhiên, có kết cấu bền vững đảm bảo sử dụng 50-70 năm.

Tuyến phố đầu tiên lát đá tự nhiên là Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân), sau đó nhiều tuyến phố như Hai Bà Trưng, Nguyễn Trãi, Giải phóng… cũng được thực hiện.

Tuy nhiên, mặt đá lát trên vỉa hè đưa vào sử dụng được vài tháng đã bong tróc, gãy nát nhiều vị trí. Theo ghi nhận của phóng viên, trên đường Lê Trọng Tấn có khoảng 10 điểm vỡ nát, đường Nguyễn Trãi cũng trong tình trạng tương tự. Phần lớn những viên đá lát bị vỡ nằm ở đầu đường vào các ngõ và quanh gốc cây.

Lý giải việc đá vỡ, UBND quận Thanh Xuân cho biết, những viên đá tự nhiên lát vỉa hè có hạn chế là độ giòn cao. Trên đường Nguyễn Trãi, nhiều phương tiện đi lên khiến một số viên đá bị nứt. Một số người dân tự ý đục vỉa hè làm lối đi và ôtô đỗ trên vỉa hè tràn lan cũng gây ra hiện tượng nứt.

Ông Trần Việt Trung - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, thì cho rằng chất lượng đá lát trên vỉa hè phụ thuộc vào lớp bê tông phía dưới, bên cạnh đó nhiều đoạn đá lát quanh gốc cây, trạm điện không đảm bảo mỹ quan, chất lượng.

Muôn thửa ngập bánh xe trên đường phố tại TP HCM

Tối 6/12, triều cường đạt đỉnh 1,67 m khiến nhiều tuyến đường tại huyện Nhà Bè, quận 2 bị ngập sâu, người dân chật vật về nhà.

Tại đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè) nước ngập lút bánh xe khiến nhiều phương tiện bị chết máy, người dân bì bõm dắt bộ hoặc phải thuê ba gác để chở người và xe về nhà.

Nước ngập cả bánh xe, vợ chồng anh Phương phải đẩy phương tiện lên vỉa hè. "Xe này tôi mượn bạn nên giờ dắt đem trả người ta. Ai dè đi chưa được nửa đường thì bị chết máy, hai vợ chồng phải thay nhau đẩy", anh Phương chia sẻ.

"Gia đình tôi mới chuyển đến đây sống hôm nay. Đâu có biết đường ngập nặng như này. Oải quá", bà Như than thở khi kẹt giữa dòng nước cùng cô con gái.

Một thanh niên cố khởi động xe nhưng đành bất lực vì nước tràn vào pô.

Anh Nguyễn Văn Dân cho cháu trai 4 tuổi chơi trên phao nổi. "Ở đây cứ triều cường là nước lênh láng, không ai dám cho trẻ con ra ngoài nên tôi phải dùng phao để chở cháu đi chơi an toàn", anh Dân nói

"Tôi ở đây nhiều năm rồi, cũng muốn nâng nhà lên cho bớt ngập mà chưa làm được", anh Trần Thu Hảo, bán quán ven đường Lê Văn Lương, nói.

Người dân Nhà Bè thuê xe ba gác chở về nhà với giá 30.000 - 50.000 đồng một người. Đến 21h, mực nước còn ngập hơn nửa bánh xe.

Thấy nhiều xe bị chết máy, anh Lê Tấn Thương (xã Nhơn Đức) cùng bạn bè sửa chữa xe miễn phí cho bà con.

"Anh em tôi làm việc này từ năm ngoái. Năm nay thấy đường ngập sâu quá nên tiếp tục trưng biển sửa xe giúp bà con đỡ cực", anh Thương chia sẻ.

Tại đường Nguyễn Văn Hưởng (quận 2) - nơi có nhiều biệt thự, căn hộ sang trọng và người nước ngoài sinh sống - nước ngập sâu nửa bánh xe. Trong đó, ngập nặng nhất là khu chung cư cao cấp Hoàng Anh và đoạn giao với đường Xuân Thủy. 

Bà Tâm dùng mảnh vải trắng để báo hiệu cho tài xế đi chậm lại, tránh nước tạt vào nhà. "Cứ tháng hai lần triều cường lên, nước tràn vào nhà. Lần nào hai vợ chồng cũng phải thay nhau ra đứng ở cửa để báo hiệu xe ô tô chạy chậm lại", bà cho biết.

Nhiều xe máy chao đảo khi ôtô phóng qua trong dòng nước. 

Theo dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, hôm nay đỉnh triều đạt 1,65 m tại trạm Phú An và 1,66 m tại trạm Nhà Bè khiến các vùng trũng thấp ở TP HCM, nhất là khu vực nội thành, bị ngập úng.

Ngày mai, đỉnh triều dự báo đạt mức 1,68 m lúc 5h30 và 1,67 m lúc 18h, sau đó hạ dần