Thứ Bảy, 11 tháng 11, 2017

Bão Haikui có thể chuyển hướng khó lường

Tác động của không khí lạnh có thể khiến Haikui đang từ hướng tây bắc, bẻ quặt hướng tây nam, đồng thời suy yếu trên biển.

 

Sau một ngày vào biển Đông, bão Haikui giữ nguyên sức gió mạnh nhất 75 km/h (cấp 8). Lúc 4h sáng nay, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 540 km về phía đông đông nam. Vùng gió mạnh trên cấp 6, giật trên cấp 9 có bán kính khoảng 150 km tính từ tâm bão.

bao-haikui-co-the-chuyen-huong-kho-luong

Đường đi và vị trí bão Haikui lúc 5h ngày 11/11. Nguồn: NCHMF.

Trong 24 giờ tới, bão di chuyển với tốc độ 15km/h theo hướng tây tây bắc, khả năng mạnh lên cực đại vào ngày 12/11 với sức gió 90 km/h. Vùng gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 200km tính từ tâm bão.

Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương nhận định, hai ngày tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây tây nam với tốc độ 5-10km/h và khả năng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

"Bão số 13 xuất hiện vào cuối mùa, trong thời gian không khí lạnh liên tục tăng cường, nên diễn biến còn phức tạp", cơ quan khí tượng cảnh báo.

Phó tổng giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia Lê Thanh Hải cho hay, bão mạnh cực đại vào ngày 12/11 đúng thời điểm này không khí lạnh tràn từ phía Bắc xuống nên có thể làm bão đổi hướng, chậm lại, quặt theo hướng tây nam.

bao-haikui-co-the-chuyen-huong-kho-luong-1

Phó tổng giám đốc Trung tâm khí tượng thuỷ văn Quốc gia Lê Thanh Hải phân tích bão Haikui. Ảnh: Việt Hùng.

"Không khí lạnh cũng làm cho bão suy yếu và hy vọng khi nó cong về phía Trung Trung Bộ sẽ chỉ còn là áp thấp nhiệt đới hoặc bão cấp 8, hướng về phía đất liền các tỉnh từ Quảng Bình - Quảng Ngãi gây mưa", ông Hải thông tin.

Ông Hải phân tích thêm, bão cuối mùa thường có hai dạng. Một là dạng parabol giống Haiyan cách đây 4 năm, đi sát ven biển miền Trung rồi cong lên Quảng Ninh. Dạng thứ hai hay gặp là đi vào đất liền tương tác với không khí lạnh bị bẻ cong xuống phía tây nam, rồi lại vào đất liền.

Món quà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng Thủ tướng New Zealand

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng nữ Thủ tướng New Zealand một bức tranh chân dung sơn dầu, khiến bà bất ngờ. 

mon-qua-bat-ngo-thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-tang-thu-tuong-new-zealand

Công đảng của bà Jacinda Ardern hôm 10/11 đăng trên Twitter, mô tả món quà là "sự bất ngờ" cùng một bức ảnh bà cười tươi cạnh bức tranh sơn dầu. Thay mặt New Zealand, bà Ardern tặng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một miếng đá xanh pounamu. 

Tại cuộc gặp song phương bên lề hội nghị APEC hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Công Đảng và Thủ tướng Jacinda Ardern thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử và mong muốn củng cố quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.   

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cám ơn chính phủ và nhân dân New Zealand đã hỗ trợ 500.000 đôla New Zealand cho các địa phương Việt Nam bị ảnh hưởng của cơn bão Damrey.

Về kinh tế, hai nước phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mục tiêu 1,7 tỷ USD vào năm 2020. Hai Thủ tướng hoan nghênh Bộ trưởng Ngoại giao hai nước ký Chương trình Hành động Việt Nam - New Zealand giai đoạn 2017-2020 nhân dịp này và giao các cơ quan hai bên triển khai, đưa hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu.

Thủ tướng Ardern khẳng định sẽ tiếp tục duy trì ODA, cung cấp học bổng cho Việt Nam. Bà ghi nhận đề nghị của Việt Nam về việc tạo điều kiện cho các mặt hàng trái cây nhiệt đới của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường New Zealand, trước mắt là quả chôm chôm.

Hai bên cũng trao đổi về một số vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có Biển Đông, nhất trí cho rằng các tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. 

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mời Thủ tướng Ardern thăm chính thức Việt Nam vào thời gian sớm nhất. Thủ tướng Ardern mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức New Zealand trong dịp Thủ tướng thăm Australia.