Thứ Năm, 14 tháng 12, 2017

Ga Hà Nội, Sài Gòn lắp đặt hệ thống soát vé tự động

Thay vì nhân viên soát vé, ngành đường sắt đã lắp đặt cửa soát vé để đọc thông tin từ vé hành khách.

Từ 15/12, Tổng công ty Đường sắt bắt đầu lắp đặt cổng soát vé tự động tại nhà ga của hai thành phố lớn. Ga Hà Nội được lắp 6 làn với 10 cổng soát vé tự động, ga Sài Gòn lắp 3 làn với 5 cổng soát vé tự động. 

Hành khách đi tàu sẽ quét mã vé trên giấy hoặc trên màn hình điện thoại vào đầu đọc của cổng soát vé. Cổng soát vé gửi thông tin về phần mềm kiểm tra của đường sắt để xem xét tính hợp lệ. Nếu vé hợp lệ, cổng sẽ tự động mở chốt cửa cho một người qua.

ga-ha-noi-sai-gon-lap-dat-he-thong-soat-ve-tu-dong

Kiếm soát vé tự động ở ga Hà Nội. Ảnh: Anh Duy

Nếu vé không hợp lệ, cổng sẽ không mở và thông báo cho hành khách biết trạng thái qua đèn LED và âm thanh. Trong trường hợp vé hợp lệ nhưng cổng kiểm soát vé tự động không mở, nhân viên đường sắt sẽ can thiệp.

Tại các cụm cửa soát vé tự động, nhân viên đường sắt được bố trí hướng dẫn hành khách khi thao tác soát vé tự động và hỗ trợ hành khách là người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ có thai có nhu cầu mang vác hộ hành lý, đẩy xe lăn trong phạm vi ga. 

Theo lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt, việc tổ chức kiểm soát ra vào tại các ga nhằm đảm bảo an ninh trật tự, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa và hạn chế người buôn bán hàng rong vào ga lên tàu. 

Dịp cuối năm, ngành đường sắt sẽ đưa vào nhiều đoàn tàu chất lượng cao chạy các tuyến Hà Nội - Vinh, TP HCM - Nha Trang. 

Chính phủ dự kiến nghỉ Tết bảy ngày

Chính phủ dự kiến quyết định số ngày nghỉ Tết năm 2017 trong bảy ngày, từ 29/12 âm lịch.

Chiều 14/12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã thông tin về phương án nghỉ Tết năm 2017.

Theo ông Dũng, tinh thần Chính phủ hướng đến là sẽ có hai ngày nghỉ trước Tết, gồm 29 và 30 tháng 12 âm lịch. Tiếp đó, nghỉ mùng một, hai, ba cộng với hai ngày nghỉ bù nữa là bảy ngày.

"Như vậy nghỉ từ ngày 29 đến mùng sáu là có thể đi làm. Chúng ta không nên nghỉ ngắn để tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức về thăm quê, thăm gia đình, họ hàng, bạn bè, nhưng cũng không nên nghỉ kéo dài quá", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

chinh-phu-du-kien-nghi-tet-bay-ngay

Phương án một nghỉ 2 ngày trước Tết. Đồ họa: Việt Chung.

Trước đó, Bộ Lao động đề xuất hai phương án nghỉ tết, đều trong bảy ngày. Phương án một, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được đề xuất được nghỉ hai ngày trước Tết và năm ngày sau Tết, từ ngày 14/2/2018 đến hết 20/2/2018 (tức từ 29 tháng chạp năm Đinh Dậu đến hết mùng năm tháng giêng năm Mậu Tuất).

Phương án 2, người lao động được nghỉ một ngày trước Tết và sáu ngày sau Tết, từ 15/2/2018 đến 21/2/2018 (tức từ ngày 30 tháng chạp năm Đinh Dậu đến mùng sáu tháng giêng năm Mậu Tuất).

Trong bảy ngày nêu trên, có năm ngày nghỉ lễ Tết trong tuần theo quy định của Bộ luật lao động và hai ngày nghỉ cuối tuần.

Thủ tướng chúc mừng sinh nhật GS Hoàng Tụy

Trong hội thảo toán học, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chúc mừng sinh nhật và ghi nhận đóng góp của GS Hoàng Tụy cho ngành Toán. 

Ngày 14/12, Viện Toán học tổ chức hội thảo quốc tế "Các thuật toán tối ưu và các vấn đề liên quan" nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 của GS Hoàng Tụy, nhà toán học nổi tiếng với các thuật toán tối ưu.

Phát biểu tại hội thảo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định GS Hoàng Tụy là nhà toán học tiêu biểu của Việt Nam, tấm gương cống hiến lao động sáng tạo. Cùng với GS Lê Văn Thiêm, ông là một trong hai người tiên phong xây dựng ngành Toán học Việt Nam. Giáo sư đã có những đóng góp quan trọng trong việc đưa đội tuyển nước nhà tham gia các kỳ thi Olympic Toán quốc tế.

thu-tuong

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng sinh nhật lần thứ 90 của GS Hoàng Tụy. Ảnh: VGP.

Năm 1964, GS Hoàng Tụy phát minh phương pháp lát cắt Tụy, được coi là mốc đánh dấu sự ra đời của một chuyên ngành Toán học mới, lý thuyết tối ưu toàn cục. Hơn 100 công trình khoa học của ông được đăng trên các tạp chí uy tín quốc tế về nhiều lĩnh vực của toán học. Cuốn sách tối ưu toàn cục tiếp cận xác định mà ông viết chung với GS Reiner Horst được đánh giá là cuốn "kinh thánh" của chuyên ngành tối ưu toàn cục.

Là Viện trưởng Viện Toán học giai đoạn 1980-1990, GS Tụy đã dẫn dắt Viện phát triển, khẳng định vai trò trụ cột trong nền Toán học Việt Nam và uy tín quốc tế. Năm 1994, Viện được Viện Hàn lâm Khoa học thế giới thứ ba công nhận là trung tâm xuất sắc của các nước đang phát triển. Tháng 8/2017, Việt Nam và UNESCO ký thỏa thuận thành lập Trung tâm quốc tế đào tạo và nghiên cứu Toán học với Viện Toán học là cơ quan bảo trợ, hỗ trợ về chuyên môn.

Nhờ những đóng góp to lớn đối với nền khoa học, GS Hoàng Tụy được Đảng, Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật đợt 1 năm 1996. Giáo sư cũng là người đầu tiên nhận giải thưởng Constantin Caratheodory năm 2011 do Đại hội Quốc tế tối ưu toàn cục đề xướng vì những đóng góp tiên phong về nền tảng cho lĩnh vực này.

Trước đông đảo nhà toán học Việt Nam và quốc tế, Thủ tướng dẫn câu nói của nhà khoa học Galileo Galilei: "Toán học là ngôn ngữ viết lên vũ trụ. Phát triển Toán là một tiền đề để phát triển nền khoa học". Chưa bao giờ Toán học lại phát triển mạnh mẽ và có nhiều ứng dụng sâu sắc như ngày nay.

Thủ tướng mong người trẻ Việt Nam tự tin, dấn thân vào khoa học, đương đầu với thách thức để học tập, nghiên cứu, sáng tạo. Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho thế hệ trẻ với hy vọng đất nước có thêm nhiều nhà khoa học, nhiều nhân tài như GS Hoàng Tụy.

thu-tuong-1

Thủ tướng làm việc với Viện Toán học Việt Nam. Ảnh: VGP.

Cũng trong sáng 14/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với Viện Toán học Việt Nam. Tại cuộc làm việc, GS Hoàng Tụy góp ý trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng quyết liệt, nếu Nhà nước không có chính sách tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của các ngành khoa học nói chung, ngành Toán nói riêng thì Việt Nam sẽ bị tụt hậu.

Nhất trí với GS Hoàng Tụy, Thủ tướng đề nghị Viện Toán học tiếp tục nghiên cứu đổi mới mô hình phát triển theo hướng hội nhập, hiệu quả. "Phải nhìn vị trí vai trò của Toán học Việt Nam trong phát triển để chúng ta có chính sách thuận lợi nhất cho Viện Toán, không để quy định đã cũ làm chậm sự phát triển của một cơ quan nghiên cứu, đào tạo quan trọng này", Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với kiến nghị của Viện về cấp học bổng tiệm cận mức học bổng quốc tế cho các học viên trong nước và quốc tế theo học tại Trung tâm quốc tế đào tạo và nghiên cứu Toán học, Thủ tướng đồng ý về chủ trương với tinh thần khuyến khích những sinh viên giỏi theo đuổi lĩnh vực này.

Về vấn đề nhân sự, Thủ tướng ủng hộ việc tăng thêm một số biên chế, nhất là các nhà toán học trẻ tuổi, tài năng. Ông cũng đồng ý với kiến nghị hỗ trợ kinh phí hoạt động khoa học cho cán bộ có trình độ cao.

Chính phủ mời Tổng bí thư chỉ đạo hội nghị cuối năm

Lần đầu tiên, Chính phủ mời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến tổ chức cuối tháng 12.

Chiều 14/12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, hiện Chính phủ đang chuẩn bị tổ chức Hội nghị mở rộng với các địa phương vào cuối tháng 12. Đây chính là phiên họp thường kỳ tháng 12 của Chính phủ và được tổ chức theo hình thức hội nghị trực tuyến, với đầu cầu là các tỉnh, thành trên toàn quốc.

"Đặc biệt, Hội nghị Chính phủ với địa phương vào tháng 12 năm nay, chúng tôi trân trọng mời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự và phát biểu chỉ đạo. Đây là điều mà Chính phủ cũng như hệ thống chính quyền các cấp rất mong mỏi", ông Mai Tiến Dũng nói.

chinh-phu-moi-tong-bi-thu-chi-dao-hoi-nghi-cuoi-nam

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Trả lời câu hỏi về việc trong nhiều năm qua, chưa có tiền lệ Tổng bí thư tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, ông Mai Tiến Dũng nói Hội nghị nêu trên có ý nghĩa rất quan trọng. 

Theo ông Dũng, trong một năm qua, Chính phủ triển khai thực hiện, cụ thể hoá nghị quyết của Trung ương và Quốc hội, những thành tựu đạt được là đóng góp của cả hệ thống chính trị, của người dân và doanh nghiệp, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên... trên toàn quốc.

"Hội nghị kiểm điểm việc thực hiện nghị quyết sau một năm, Chính phủ trân trọng được Tổng bí thư dự, để Tổng bí thư đưa ra chỉ đạo của người đứng đầu Đảng với các Bộ ngành, địa phương, phát huy mặt được, khắc phục các tồn tại, chẳng hạn như tình trạng trên nóng dưới lạnh, trên chuyển dưới không chuyển...", ông Dũng nói.

Người phát ngôn Chính phủ thông tin, Văn phòng Chính phủ và các Bộ ngành đang tích cực chuẩn bị, với tinh thần là Hội nghị diễn ra thiết thực, hiệu quả, tháo gỡ được các khó khăn cụ thể cho địa phương, vạch rõ các công việc trọng tâm thời gian tới.

"Hội nghị sẽ thảo luận, thống nhất ban hành Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Thủ tướng đã đặt ra yêu cầu đổi mới trong xây dựng nghị quyết, làm sao có một nghị quyết ngắn, dễ hiểu, dễ nhớ, giao công việc và thời hạn cụ thể cho các bộ ngành", ông Dũng cho hay.

Theo ông, trong hội nghị cuối năm này, Chính phủ cũng gửi giấy mời tham dự đến Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, các Uỷ viên Bộ Chính trị; Phó chủ tịch nước; các Phó chủ tịch Quốc hội; lãnh đạo các ban Đảng Trung ương, các cơ quan của quốc hội và Mặt trận Tổ quốc VN.

Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên xác nhận thông tin Chính phủ mời Tổng bí thư tham dự Hội nghị nêu trên, và cho biết việc này sẽ do Tổng bí thư quyết định.

Theo quy định của Luật tổ chức Chính phủ, Chủ tịch nước có quyền tham dự phiên họp của Chính phủ. Ngoài ra, Chính phủ mời Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội tham dự phiên họp của Chính phủ khi bàn về việc thực hiện chính sách dân tộc. Khi ban hành quy định thực hiện chính sách dân tộc, Chính phủ phải lấy ý kiến của Hội đồng dân tộc.

Luật cũng quy định Chính phủ mời Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội tham dự phiên họp của Chính phủ khi bàn các vấn đề có liên quan.