Thứ Ba, 5 tháng 12, 2017

Dự án BOT Cai Lậy được quyết định đầu tư như thế nào?

Năm 2013, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể (nay là Bộ trưởng Giao thông Vận tải) đã ký các quyết định liên quan đến công trình BOT Cai Lậy.    

Năm 2009, Bộ Giao thông Vận tải giao Tổng cục Đường bộ nghiên cứu xây dựng tuyến tránh thị trấn Cai Lậy (nay là thị xã Cai Lậy, Tiền Giang). Tuy nhiên, do nguồn vốn Nhà nước không có nên sau hơn 4 năm dự án chưa thể triển khai.

Ngày 30/8/2013, UBND tỉnh Tiền Giang có văn bản số 3901 gửi Bộ Giao thông Vận tải đề nghị sớm triển khai dự án tuyến tránh quốc lộ 1, đoạn qua thị trấn Cai Lậy, do lưu lượng phương tiện qua thị trấn hơn 20.000 xe mỗi ngày, gây ùn tắc. Tỉnh này đã giới thiệu nhà đầu tư và đề nghị Bộ Giao thông khẩn trương chấp thuận phương án theo hình thức BOT.

Khởi động dự án

Trên cơ sở kiến nghị của Tiền Giang, Bộ Giao thông nghiên cứu triển khai dự án BOT tuyến tránh Cai Lậy. Đơn vị tư vấn lập dự án là Công ty xây dựng công trình 625 đề xuất 2 phương án. Trong đó, phương án một, không làm tuyến tránh mà mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy với quy mô 6 làn xe, trạm thu phí hoàn vốn đặt trên quốc lộ 1.

Theo phương án này, tuyến đường sẽ mở rộng qua thị trấn Cai Lậy, khối lượng giải phóng mặt bằng lớn do đi qua khu dân cư, tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Dự kiến thời gian thu phí hoàn vốn sẽ kéo dài, mức phí cao.

du-an-bot-cai-lay-duoc-quyet-dinh-dau-tu-nhu-the-nao

Tài xế trả tiền lẻ ở trạm BOT Cai Lậy để phản đối thu phí. Ảnh: Thành Nguyễn

Phương án hai, xây dựng quốc lộ 1 đoạn tránh thị trấn Cai Lậy, kết hợp tăng cường mặt đường quốc lộ 1. Với phương án này, khối lượng giải phóng mặt bằng ít hơn do đường mới không đi qua khu dân cư đô thị. Tổng mức đầu tư gần 1.400 tỷ đồng, đồng nghĩa phí thu sẽ thấp hơn và thời gian hoàn vốn nhanh hơn phương án một.

Theo hồ sơ dự án, ngày 19/9/2013, thừa ủy quyền của lãnh đạo Bộ Giao thông, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể (nay là Bộ trưởng Giao thông) đã ký quyết định công bố danh mục dự án để kêu gọi đầu tư bằng hình thức BOT, với phương án xây dựng tuyến tránh Cai Lậy. 

Sau đó một tháng, Bộ Kế hoạch Đầu tư có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ cho biết thống nhất với Bộ Giao thông về việc kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương triển khai tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang theo hình thức BOT. 

Lấy ý kiến địa phương

Tháng 10/2013, Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể ký văn bản lấy ý kiến về vị trí đặt trạm thu phí, gửi đến UBND, HĐND và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang.

Trong các văn bản này, Bộ Giao thông đưa ra 2 vị trí đặt trạm cùng với những ưu điểm và hạn chế để địa phương lựa chọn, đó là đặt trạm thu phí trên tuyến tránh Cai Lậy hoặc đặt trạm trên quốc lộ 1. 

Cụ thể, trạm đặt trên tuyến tránh thì ưu điểm là chỉ thu phí của phương tiện đi trên tuyến tránh, không thu phí của phương tiện đi vào nội thị Cai Lậy. Nhưng nhược điểm là không hạn chế được phương tiện đi qua quốc lộ 1 do tránh trạm thu phí, không thu hút được nhà đầu tư, không sửa chữa được mặt đường, hệ thống thoát nước… Thời gian thu phí kéo dài từ 30 năm trở lên.

Với trạm đặt trên quốc lộ 1 để thu phí cả 2 dòng phương tiện đi trên tuyến tránh và quốc lộ 1, ưu điểm là giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 10 năm. 

Ngày 4/11/2013, UBND tỉnh Tiền Giang có văn bản số 5090 gửi Bộ Giao thông, cho biết đồng thuận vị trí đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1, tại Km1999+900, thuộc xã Phú An, huyện Cai Lậy.

Văn bản của tỉnh nêu: "Việc đầu tư xây dựng dự án quốc lộ 1 đoạn tránh thị trấn Cai Lậy là rất cần thiết và cấp bách. Để phát huy hiệu quả dự án, UBND tỉnh Tiền Giang thống nhất về vị trí đặt trạm thu phí cho dự án tại Km1999+900 thuộc địa phận xã Phú An, huyện Cai Lậy; đồng thời góp phần chỉnh trang đô thị thị trấn Cai Lậy".

Cùng thời gian này, HĐND và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang cũng gửi văn bản tới Bộ Giao thông thống nhất lựa chọn phương án đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1.

Sau khi có các văn bản trên, ngày 19/12/2013, ông Nguyễn Văn Thể ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình quốc lộ 1 đoạn tránh thị trấn Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn km1987+560 đến km2014, tỉnh Tiền Giang theo hợp đồng BOT. 

Như vậy, đến thời điểm này, dự án đã được đổi tên khác so với giai đoạn nghiên cứu. Tên trước đây là "dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang"; còn tên mới thêm đoạn "tăng cường mặt đường đoạn km1987+560 đến km 2014, tỉnh Tiền Giang"...

Chỉ định thầu

Sau khi làm việc với tỉnh, Bộ Giao thông đã báo cáo và được Chính phủ cho chỉ định thầu. Liên doanh nhà đầu tư dự án là Công ty Cổ phần phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Công ty cổ phần đầu tư thương mại và xây dựng giao thông 1.

Sau gần 2 năm không thể giải phóng được mặt bằng đề xây dựng trạm thu phí, UBND tỉnh Tiền Giang đã đề nghị thay đổi vị trí tại km1999+300 quốc lộ 1 (vị trí trạm thu phí hiện tại). Chính quyền khẳng định đã phối hợp với nhà đầu tư khảo sát hiện trường và thống nhất di dời trạm thu phí đến vị trí mới.

Trước đề xuất của UBND tỉnh Tiền Giang, ngày 26/10/2015, Bộ Giao thông có văn bản 14245 đề nghị Bộ Tài chính thống nhất vị trí đặt trạm thu phí tại km 1999+300 quốc lộ 1.

Trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính, ngày 4/12/2015, Bộ Giao thông ban hành văn bản 16189 chấp thuận vị trí đặt trạm thu phí tại km 1999+300 quốc lộ 1.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét