Thứ Năm, 30 tháng 11, 2017

Triều Tiên muốn gì khi tuyên bố đã hoàn thành lực lượng hạt nhân

Việc Triều Tiên tuyên bố hoàn thành lực lượng hạt nhân có thể là dấu hiệu cho thấy họ sẵn sàng chuyển sang đàm phán với Mỹ.

trieu-tien-muon-gi-khi-tuyen-bo-da-hoan-thanh-luc-luong-hat-nhan

Triều Tiên phóng tên lửa Hwasong-15 ngày 29/11. Ảnh: Rodong Simun.

Sau khi phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) ngày 29/11, Triều Tiên nói rằng họ đã làm chủ được khả năng tấn công hạt nhân và trở thành một quốc gia hạt nhân toàn diện. Ông Kim Jong-un tuyên bố Bình Nhưỡng đã "thực hiện được mục tiêu lịch sử là hoàn thành lực lượng hạt nhân quốc gia", truyền thông nước này đưa tin.

Giới quan sát cho rằng ngôn ngữ này gợi ý khả năng Triều Tiên sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán. Theo Vipin Narang, chuyên gia về chiến lược hạt nhân của MIT, Triều Tiên có thể đang thể hiện rằng nước này sẽ sớm coi chương trình hạt nhân của mình là "hoàn thành" và tập trung vào nền kinh tế yếu ớt.

"Một khi Bình Nhưỡng cho rằng chúng ta tin họ có khả năng tiếp cận lục địa Mỹ bằng ICBM, họ sẽ sẵn sàng thảo luận về việc đóng băng các vụ thử chứ không phải là từ bỏ chương trình tên lửa hay hạt nhân", Ralph Cossa, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận xét, theo Washington Post.

"Họ đồng ý làm vậy để đổi lại điều họ thực sự muốn là dỡ bỏ các lệnh trừng phạt", Cossa nói thêm.

Laura Rosenberger, chuyên gia về Triều Tiên tại Quỹ Marshall của Đức ở Washington, cũng đồng ý rằng Triều Tiên có thể cởi mở hơn với việc đàm phán sau khi họ đạt được một cột mốc công nghệ. 

Tuy nhiên, ngay cả khi Triều Tiên sẵn sàng đàm phán về việc đóng băng các vụ thử, không có dấu hiệu cho thấy Mỹ và các đồng minh sẽ phản ứng tích cực. Washington không muốn Bình Nhưỡng chỉ đơn giản là ngừng thử tên lửa mà họ nhấn mạnh việc tháo dỡ hoàn toàn, có thể kiểm soát được và không thể thu hồi kho vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Bình Nhưỡng đã nhiều lần tuyên bố họ sẽ không từ bỏ chương trình vũ khí.

"Triều Tiên sẽ muốn được đối xử như một cường quốc hạt nhân và ngang hàng với Mỹ, làm phức tạp thêm mục tiêu của Mỹ và đồng minh là phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên ", Rosenberger nhận xét.

trieu-tien-muon-gi-khi-tuyen-bo-da-hoan-thanh-luc-luong-hat-nhan-1

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vui mừng sau vụ phóng tên lửa. Ảnh: Rodong Sinmun.

Trong khi đó, nhiều nhà phân tích tại Hàn Quốc nghi ngờ về cách suy luận nói trên. Họ cho rằng Bình Nhưỡng đang câu giờ và sẽ không quan tâm đến việc đàm phán với Washington, cho tới khi thực sự đạt được những khả năng mà họ tuyên bố sau nhiều cuộc thử nghiệm, theo NYTimes.

Triều Tiên nói rằng họ đã thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới gọi là Hwasong-15, có thể mang đầu đạn hạt nhân siêu lớn đến bất cứ đâu trên lục địa Mỹ. Quả đạn đạt độ cao 4.475 km, tầm xa 960 km và thời gian bay 54 phút, được coi là tên lửa bay cao nhất và có tầm bắn xa nhất của Bình Nhưỡng.

Nhưng có những lý do để nghi ngờ Triều Tiên đã phóng đại khả năng. Tên lửa của Triều Tiên mang một đầu đạn mô phỏng rất nhỏ hoặc không có tải trọng, nên nó có thể bay xa hơn so với khi mang đầu đạn thực. Triều Tiên cũng không chứng minh được đầu đạn có thể chịu được điều kiện nhiệt độ và áp suất cực cao khi hồi quyển - một rào cản kỹ thuật quan trọng.

"Triều Tiên đang ba hoa", Chang Young-keun, một chuyên gia tại Đại học Hàng không Hàn Quốc gần Seoul, nói.

Kim Dong-yub, một nhà phân tích quốc phòng thuộc Viện nghiên cứu Viễn Đông ở Seoul, cho rằng Triều Tiên sẽ không ngừng các vụ phóng cho đến khi họ thử nghiệm thành công ICBM với một quỹ đạo chuẩn trên Thái Bình Dương và chứng tỏ được công nghệ hồi quyển. (Về mặt lý thuyết, Hwasong-15 nếu bắn theo quỹ đạo chuẩn sẽ có tầm xa 13.000 km. Triều Tiên ngày 29/11 bắn tên lửa theo góc cao nên chỉ có tầm xa 960 km).

trieu-tien-muon-gi-khi-tuyen-bo-da-hoan-thanh-luc-luong-hat-nhan-2

Tầm bắn bao trùm lãnh thổ Mỹ của tên lửa Hwasong-15. Bấm vào ảnh để xem đầy đủ.

Tuyên bố của họ có thể chỉ để tuyên truyền trong nước. "Họ sẽ tiếp tục các vụ thử để giải quyết các vấn đề kỹ thuật", chuyên gia Kim nhận xét.

Trung Quốc đã lên án vụ thử tên lửa của Triều Tiên. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng này điều một đặc phái viên tới Bình Nhưỡng để thúc giục ông Kim ngừng các vụ thử. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã không gặp đặc phái viên và cho tiến hành vụ thử tên lửa chỉ vài ngày sau chuyến thăm của ông ấy.

Lee Sung-yoon, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Tufts ở Mỹ, nói rằng vào thời điểm này, Triều Tiên có lợi khi chọc tức Trung Quốc và Mỹ.

"Sau khi Triều Tiên thử ICBM với tầm xa nhất, những tiếng kêu gọi nới lỏng lệnh trừng phạt và quay trở lại đối thoại sẽ ngày càng lớn hơn vì họ nhận thấy rằng các lệnh trừng phạt không có tác dụng", Lee nói.

"Đối với Bình Nhưỡng, cách để họ thoát lệnh trừng phạt không phải là nhượng bộ mà là tiếp tục leo thang", ông nhận xét thêm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét