Thứ Năm, 21 tháng 12, 2017

Bão lịch sử Damrey: Khi điều không thể thành có thể

"Ngoài sức tưởng tượng" là cách người dân Khánh Hòa mô tả về bão Damrey. Nhưng chính sự khôn lường ấy, là đặc tính của tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay.

Đi là con cả trong gia đình có bốn anh em. Học xong lớp 9, cậu xin nghỉ học, tìm việc san sẻ gánh nặng và chăm lo cho các em.

Thấy nhà cửa ọp ẹp, dựng bằng những tấm tôn cũ kỹ, anh bảo bố làm nhà. Nói rồi Đi liền mượn chủ lồng tôm hùm 20 triệu đồng. Bảy năm trước, họ dựng được ngôi nhà cấp bốn, rộng gần 50m2 để trú tránh mỗi khi mưa, gió. Đi làm cho người ta tại bè nuôi tôm trên vịnh Vân Phong, rồi ở miết ngoài biển. Tháng chỉ về thăm nhà đôi lần.

Tiền lương tháng được hơn ba triệu, một phần Đi đưa cho cha mẹ chi tiêu trong gia đình, một phần gửi cho em gái học ở Bình Định. Nhiều lần ông Nở đã khuyên con lấy vợ, nhưng cậu cứ bảo để lo cho các em, rồi cười hiền cho qua chuyện.

Trong ký ức ông, cậu con trai thấp người có tính cách hiền lành, thương các em. Tuy ít nói, song mỗi khi các em có chuyện, người anh đều thay bố mẹ chia sẻ, đỡ đần. "Nếu không có nó, chắc con gái cũng chẳng đến trường, nhà cửa vẫn là những tấm tôn nhàu nát và là trụ cột của gia đình", người cha tâm sự.

Hai tháng trước, Đi về thăm nhà, tay cầm bị cá biển cùng ít hải sản, rồi hì hục vào bếp. Mấy cha con ngồi hàn huyên với nhau.

Đi nói, Tết này sẽ lấy tiền dành dụm cho em gái, mừng nó mới ra trường. Bằng công làm lụng của anh, cô em gái vừa tốt nghiệp đại học ngành sư phạm. Rồi Đi muốn mua một chiếc xe máy, tìm công việc nào đó trên bờ để làm.

Bao năm đi làm, một chiếc xe máy mới vẫn chỉ là mơ ước của người anh cả nặng gánh trong gia đình này.

22h30 ngày 3/11, Đi gọi về hỏi tình hình ở nhà. Cậu kể, ngoài biển sóng rất lớn, cao hơn 5 mét. Tại bè, cậu và chủ cùng một người khác đang chằng chống lồng tôm.

3h20 hôm 4/11, bão Damrey tăng tốc, gió rít liên hồi, thổi bần bật trên mái nhà như đang nghiến răng. Phần sau nhà bị bão giật sập. Điện cúp, bên trong tối om, vợ chồng ông, con gái và gia đình hai người con trai cùng cháu gái co cụm. Bên ngoài mưa dữ tợn.

Nghĩ tình hình không ổn, ông gọi điện thoại, nhưng con trai cho biết bão đang vào. Con vẫn ổn, rồi tắt máy khi người cha chưa kịp dặn phải cẩn thận.

Hơn giờ sau, vợ ông tiếp tục gọi, nhưng điện thoại không đổ chuông, chỉ vọng lại tiếng thông báo thuê bao khoá máy. Nhiều cuộc gọi dồn dập nhưng đều vô vọng.

Đôi chân không còn vững, bàn tay gầy gộc nhăn nheo lập cập, ông Nở muốn lao ra bão tìm con nhưng bất lực. Tới khi bão tan, ông cùng hai con trai nhờ người giúp đỡ tìm thông tin anh Đi. Nhiều giờ vượt biển, họ đến được nơi nhưng lồng bè tan tác. Xung quanh chẳng bóng người.

Ba hôm sau, mọi người báo chủ bè tôm nơi con ông làm đã tử vong. Rồi chiều hôm ấy, trời xám xịt, thi thể anh Đi được biên phòng tìm thấy trên vịnh Vân Phong, cách lồng tôm chừng 40 km.

Ngoài anh Đi, chủ bè tôm cùng một người khác đã bị bão hất văng xuống biển. Ba người đều tử vong. Ông Nở mới 45, tiễn con khi tóc còn chưa kịp bạc.

Khánh Hòa, những ngày tháng 12 nắng gay gắt. Gần 11h, ông Mai Đình Nở xới bát cơm đầy, vun ít thức ăn đặt lên bàn thờ, thắp nén nhang cho con trai Mai Văn Đi.

Ở góc nhà, vợ ông Nở bà Nguyễn Thị Dư nằm trên chiếc võng trông gầy gò, xanh xao. Hai mắt người phụ nữ 44 tuổi trũng sâu, thâm quầng. Đi lại khó khăn, người mẹ được con dìu đến ăn cơm.

Với tay cầm bát cơm, bà lấy ít thức ăn rồi đặt cạnh bên. "Chỗ này, thằng cả hay ngồi nên để thế, xem như nó đang ăn cùng gia đình".

Chừng 5 phút, bà Dư buông bát. Chén cơm vẫn còn lưng chừng. Bà được các con đưa lên chiếc ghế nhựa, đặt trước bàn thờ anh cả. Ngồi đấy một hồi, bà cầm chiếc điện thoại cũ, kỷ vật người con để lại rồi khóc. Đã nhiều tháng trôi qua, nỗi đau cơn bão để lại chưa nguôi một chút nào.

Mẹ của Đi thẫn thờ khi nhắc đến con

"Ngoài sức tưởng tượng" là mô tả của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Vinh về cơn bão Damrey khi nó đổ bộ vào Khánh Hòa. "Địa phương rất ít khi có những cơn bão mạnh, ảnh hưởng trực tiếp nên người dân thiếu kinh nghiệm ứng phó. Ngoài ra, họ còn chủ quan trước mức độ nguy hiểm của bão", ông Vinh nói.

Theo Chủ tịch Khánh Hòa, người dân cũng còn có tâm lý giữ tài sản. Rất nhiều hộ nuôi thủy, hải sản trên các lồng bè không chịu vào bờ mà túc trực tại đấy gây nguy hiểm tới tính mạng.

Khi đi thực tế lúc bão và sau bão, lãnh đạo tỉnh thấy có rất nhiều nhà thờ ơ với bão. Bởi, những hộ chằng chống nhà cửa bằng bao cát, gia cố dây nhựa kỹ thì không sao; còn các gia đình không chịu chằng chống, bị tốc mái.

"Tại một số địa phương, chính quyền đưa dân vào nơi an toàn tránh trú nhưng khi bão vừa tan họ lại ra lồng bè, kiểm tra tài sản. Lúc ấy, gió còn rít liên hồi, rất mạnh khiến nhiều người gặp nạn", Chủ tịch Vinh kể.

Hồi năm 2016, gia đình bà Nguyễn Thị Mỹ Rơi vay ngân hàng gần 2 tỷ đồng cùng với số tiền dành dụm từ các vụ trước nữa cũng hơn tám tỷ đồng, vợ chồng đầu tư vào tôm hùm trên vịnh Vân Phong.

Chồng sáng đến bè kiểm tra, chiều vào đất liền, rất ít khi ở lại. Mấy cơn bão trước, một vài lồng bị hư, thiệt hại chẳng là bao nhưng thường bị người ta lặn lấy đi. Hôm trước bão, chồng bà ra bè kiểm tra tôm. Đến chiều, con trai gọi điện, bảo bố về vì khả năng bão lớn sẽ nguy hiểm, nhưng ông không chịu. Phần vì tài sản đầu tư quá lớn, nghĩ nằm trong vịnh sẽ được che chắn và có ba người đang túc trực tại bè nên ở lại.

Tới khuya, gió kèm mưa lớn. Ông Liêm gọi về cho vợ và con trai dặn hai mẹ con ở nhà, đừng ra ngoài. Rồi nói, mai bão tan anh vào.

5h10, bão giật dữ dội. Thấp thỏm không yên, người vợ gọi cho chồng chỉ nghe tiếng gió ù ù, câu được câu mất, chỉ loáng thoáng bè bị sóng đánh vỡ. Rồi bất ngờ, liên lạc mất dù hai mẹ con bà cố gọi nhiều lần.

Điện thoại ba người làm cũng tương tự. Đó là lần cuối cùng bà nghe giọng chồng.

Bà Rơi bên di ảnh của chồng

Bão lũ làm 107 người chết, 16 người mất tích. Riêng Khánh Hòa có 44 người chết. Hơn 3.200 nhà sập; 120.000 nhà tốc mái; 1.300 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng. Trong đó, tại Bình Định, chín tàu hàng cỡ lớn bị chìm khi không thể vào cảng trú bão. Theo thống kê các địa phương thiệt hại hơn 22.600 tỷ đồng.

Damrey và sự bất ngờ của người dân Khánh Hòa chỉ là bằng chứng mới nhất cho những thảm kịch mà biến đổi khí hậu đã và sẽ có thể mang lại tại Việt Nam.

Phía trên là biểu đồ mô tả sự thay đổi của lượng nước mưa tại Việt Nam từ năm 1958 đến năm 2007. Nhìn vào đây, có thể thấy trong 50 năm qua, vùng duyên hải Nam Trung Bộ là nơi có dấu hiệu bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nhiều nhất: mực nước mưa tại Phú Yên và phía bắc Khánh Hòa tăng nhiều nhất, từ 20-40%.

Ngược lại với xu hướng mưa nhiều tại vùng Nam Trung Bộ và Nam Bộ, mực nước mưa tại nhiều vùng phía Bắc đang giảm mạnh trong nửa thế kỷ qua.

Điểm màu xanh đậm trên biểu đồ vô tình trùng với khu vực tàn phá của bão Damrey là một điều đáng suy nghĩ: cơn bão lớn chưa từng có trong 20 năm qua này, là điều bất ngờ hay là một diễn tiến có thể dự đoán của biến đổi khí hậu?

Trong vòng 5 năm qua, thiên tai Việt Nam liên tiếp lập những kỷ lục mới về mức độ tàn phá, với những diễn biến rất khó lường. Năm 2017, thiệt hại do 14 cơn bão và các đợt mưa lũ lên đến 2,6 tỷ đôla. Tính riêng bão Damrey đã gây hại khoảng 1 tỷ đôla. 

Nhìn lại 2017, thêm một năm không bình thường của thời tiết trên khắp cả nước. 

Phía Bắc mưa kéo dài hơn một tháng, lũ càn quét tan hoang Mường La, Mù Cang Chải. Miền Trung lũ dồn dập đổ về, tất cả hồ và sông từ Quảng Trị đến Khánh Hòa đều đầy nước. Bão đổ vào Nam Trung Bộ, khu vực nơi 20 năm không có bão. Ngay tại thủ đô, nước lũ "hồi hương" sau 10 năm khiến vùng ngoại thành ngập trắng khi đê vỡ.

Người dân cả nước cũng đã trải qua một mùa hè khủng khiếp. Vào ngày 5/6, Hà Nội cùng các thành phố Tây Nam Á như New Delhi, Islamabad, Medina là những điểm nóng nhất thế giới khi nhiệt độ đạt mức 42 độ C. Đó là nhiệt độ đo trong lều khí tượng. Thực tế ngoài trời, nhiệt độ đo được ở mặt đường, vào giữa trưa, xấp xỉ 60 độ C.

Đường bờ biển dài, khiến Việt Nam nằm trong số những quốc gia bị tác động mạnh mẽ nhất do biến đổi khí hậu. 

Có một kịch bản xấu dành cho nước ta vào cuối thế kỷ 21. Đó là nếu nước biển dâng 1m, thì gần 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long; 16,8% diện tích đồng bằng sông Hồng, 1,5% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung sẽ chìm trong nước. Sinh kế của 20-30 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp. Quốc gia nông nghiệp sẽ mất đi 10% GDP.

Kịch bản mực nước biển dâng trung bình ven biển Việt Nam có khả năng cao hơn mức toàn cầu, của phía Nam sẽ cao hơn phía Bắc. Sau hơn nửa thế kỷ, những cơn bão mạnh có sức gió giật cấp 12 trở lên hướng vào Việt Nam đã tăng. Mùa bão kết thúc muộn hơn và đường đi của bão dịch chuyển dần về phía Nam. Damrey là một ví dụ.

Trong bối cảnh chung đó, Chính phủ đã có nhiều hành động. Cuối tháng 10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt "Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 – 2020".

Hơn 15.800 tỷ đồng sẽ được chi cho các dự án ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 sẽ trồng và phục hồi 10.000 ha rừng ngập mặn ven biển, rừng phòng hộ đầu nguồn, nhằm hấp thụ 2 triệu tấn khí CO2 mỗi năm, tạo sinh kế ổn định cho người dân. Xây dựng, nâng cấp các công trình đê điều, hồ đập điều tiết nước, kiểm soát mặn, hệ thống giám sát biến đổi khí hậu.

Thay đổi nhiệt độ tại Việt Nam từ năm 1958-2007

Hai năm trước, Ngân hàng Thế giới khuyến nghị Việt Nam, cần "hành động không hối tiếc" vì sự phát triển bền vững của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Việc đưa ra giải pháp công trình với các dự án "không hối tiếc" được coi là một cách để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để "giữ đất, giữ nước, giữ con người" đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ quyết định sẽ chi 1 tỷ USD "giải cứu". Số tiền này sẽ được giải ngân để xây dựng các công trình, xử lý sạt lở, chống ngập mặn.

Thực tế, những nỗ lực chống biến đổi khí hậu của Chính phủ đã được triển khai từ nhiều năm trước. Cuối 2015, Việt Nam đã lập kế hoạch 61 dự án cấp bách với tổng kinh phí 19.000 tỷ đồng để ứng phó biến đổi khí hậu. Giai đoạn trung hạn, tập trung 15.000 tỷ vào xây dựng hồ tích trữ nước ngọt, bảo vệ rừng phòng hộ, đầu tư hệ thống quan trắc môi trường, di dân khỏi vùng nguy hiểm...

Nhưng có những bằng chứng cho thấy sự cảnh giác vẫn chưa đủ mạnh. 

Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho rằng, với bão Damrey, công tác chỉ đạo, chuẩn bị ứng phó được tiến hành kỹ càng, nhưng thiệt hại lớn thì "khó lý giải".

Ông Hoài nhận định, Khánh Hòa nhiều năm không có bão lớn; TP Nha Trang được bọc bởi dãy núi quanh vịnh, nên dẫn tới tâm lý chủ quan của một số người. Nhiều cấp chính quyền và người dân còn chưa quyết liệt và không có kinh nghiệm trong ứng phó với bão lớn. Điều này đã khiến bão Damrey "đặc biệt nghiêm trọng".

Ở Bình Định, chủ tịch tỉnh Hồ Quốc Dũng nói, theo quyết định của Bộ Giao thông Vận tải, cảng Quy Nhơn chỉ có thể tránh trú bão tối đa 30 tàu. Tại thời điểm bão Damrey đổ bộ, số lượng lên tới 104 tàu hàng, trong đó nhiều tàu công suất lớn neo đậu ở cảng Quy Nhơn và nhiều tàu vãng lai vào không xin phép.

"Cảng vụ bố trí được 53 tàu vào khu vực tránh trú bão, còn 51 tàu phải neo ở phao số 0". Rạng sáng ngày 4/11, có 8 tàu chìm, 10 người chết và 3 người mất tích.

Ông Nở khóc khi nghĩ về đứa con đã mất trong bão

"Chừng nào ba mẹ đưa con về" - hai đứa nhỏ liên tục hỏi chị Tính.

Nhà anh chị Tính sửa cách đấy ít năm, từ tiền dành dụm làm thuê cho các đìa nuôi ốc hương. Nhà sát biển, mỗi năm bão đều đến, nhưng chưa bao giờ họ nghĩ rằng mình có thể rơi vào cảnh mất nhà. Gió rít dữ dội đã kéo sập nhà cùng móng phía trước, mái hiên đổ theo.

Gia đình chị đi ở nhờ, hai đứa con lạ nhà không ngủ được. Đứa con út 5 tuổi đêm nào cũng khóc. Sau bão, ốc hương cũng chết nhiều, khiến công việc của hai vợ chồng lận đận hơn.

"Chúng tôi cố gắng làm, rồi dành dụm dựng lại", chị Tính ngậm ngùi nói. 

"Cố gắng dựng lại" là cách mà những người dân những vùng nhạy cảm với thiên tai đã lầm lũi vượt qua số phận, khi nhà cửa, gia sản bị cuốn trôi năm này qua năm kia. Nhưng với nhiều nơi, như Khánh Hòa, người dân ở đây đối mặt với một thực tế chưa từng có: từ nay, họ biết rằng những cơn bão có thể cuốn phăng ngôi nhà của mình. Họ sẽ phải xây cất cách khác, chuẩn bị cách khác, sống cách khác để ứng phó với sự biến đổi của thời tiết.

Bão Damrey cùng với những lời thảng thốt "không ngờ" của nạn nhân là lời cảnh báo rằng bất kỳ điều gì cũng có thể diễn ra trong biến đổi khí hậu. 

"Tự cứu mình trước khi trời cứu" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các địa phương hồi tháng 9 năm nay. Cả một quốc gia, trước biến đổi khí hậu, cũng đang cần chuẩn bị một cách vận hành khác.

Bài: Xuân Ngọc - Hoàng Phương - Đức Hoàng
Ảnh: Xuân Ngọc - Ngọc Thành
Đồ họa: Tiến Thành - Việt Chung

TP HCM yêu cầu thu mặt bằng quán bar để khách dùng ma túy

Nhà hàng Las Vegas quận 1 thường xuyên gây mất an ninh trật tự, để nhân viên và khách mua bán, tàng trữ, sử dụng ma túy. 

Bà Nguyễn Thị Thu - Phó chủ tịch UBND TP HCM - vừa ký văn bản khẩn chỉ đạo lực lượng công an và các ban ngành liên quan, xử lý dứt điểm các vi phạm của hai doanh nghiệp trong lĩnh vực giải trí.

Đó là Công ty TNHH dịch vụ giải trí 212 trên đường Nam Quốc Cang và Chi nhánh Công ty TNHH xuất nhập khẩu Ngọc Minh Đức - Nhà hàng cà phê giải trí Las Vegas (hoạt động dưới hình thức "beer club") trên đường Nguyễn Trãi, cùng phường Phạm Ngũ Lão, quận 1.

Ngành chức năng TP HCM xác định trong quá trình kinh doanh, hai doanh nghiệp này thường xuyên gây mất an ninh trật tự, không đảm bảo điều kiện phòng cháy chữa cháy, thiếu trách nhiệm để khách sử dụng ma túy và nhân viên có hành mua bán, tàng trữ ma túy.

Quán bar Las Vegas bị xác định liên tục có nhiều vi phạm. Ảnh: Tuyết Nguyễn.

Quán bar Las Vegas bị xác định liên tục có nhiều vi phạm. Ảnh: Tuyết Nguyễn.

Dự kiến trong dịp lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch 2018 khách vui chơi rất đông, khả năng tiếp tục có các hành vi vi phạm, UBND TP yêu cầu UBND quận 1 và hai Đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội, tăng cường kiểm tra các điểm kinh doanh này, chấn chỉnh, xử lý triệt để các vi phạm.

Lực lượng công an có nhiệm vụ triệt phá, truy quét các đường dây cung cấp ma túy, cũng như băng nhóm tội phạm tập trung, ẩn náu tại hai điểm kinh doanh này.

Ngoài ra, UBND TP cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm các cá nhân có liên quan, trong việc cho thuê mặt bằng trên đường Nguyễn Trãi mở nhà hàng Las Vegas trái quy định. Mặt bằng này của Công ty cổ phần vật phẩm văn hóa Sài Gòn (thuộc Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn).

"Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn theo dõi, đôn đốc hoàn tất việc thu hồi mặt bằng, làm rõ trách nhiệm những người có liên quan trong việc không chấp hành các quy định của UBND TP", Phó chủ tịch Nguyễn Thị Thu yêu cầu. 

Trước đó, rạng sáng 2/12, cảnh sát hình sự Công an TP cùng Công an quận 1 ập vào nhà hàng Las Vegas, phát hiện hàng trăm người vui chơi quá giờ quy định. Nhiều khách nháo nhào tháo chạy, vứt các gói nhỏ chứa bột trắng, viên nén xuống gầm bàn. 

Nhiều túi nylon chứa ma túy đá, thuốc lắc được thu giữ. 200 người bị đưa về trụ sở kiểm tra, xác định 35 người dương tính với ma túy. Trong đó, Nguyễn Quốc Hưng (33 tuổi, ở Hà Nội) tàng trữ lượng ma túy lớn đã bị tạm giữ.

Hồi cuối tháng 10, lực lượng chức năng cũng đã kiểm tra, phát hiện nhiều loại ma túy bên trong điểm kinh doanh này.

Năm 2016 nhà hàng này từng bị kiểm tra, xử phạt nhiều lỗi vi phạm như dùng nữ tiếp viên mặc bikini múa khiêu dâm phục vụ khách, kinh doanh shisha nhập lậu, không đảm bảo lối thoát nạn, PCCC...

"Check in" ở cây long não huyền thoại, vào làng cà phê chụp ảnh, ăn gà đồng bào hay ra quảng trường hóng gió sẽ khiến một ngày du lịch thêm thú vị.

Nếu chỉ có một ngày ở trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, bạn cũng sẽ có được những trải nghiệm vừa mang đặc trưng của địa phương, vừa trẻ trung, sôi nổi của thành phố hiện đại, chẳng kém gì TP HCM hay Hà Nội.

Ăn sáng, uống cà phê

24-gio-khong-chan-o-buon-ma-thuot

Người ở Buôn Ma Thuột dậy từ rất sớm để bắt đầu một ngày mới. Bao giờ việc ăn sáng cũng sẽ gắn liền với uống cà phê như một "thủ tục" không thể thiếu. Ẩm thực ở phố núi rất đa dạng và phong phú nên bạn có thể tìm thấy nhiều món ăn có xuất xứ từ khắp nơi trên cả nước.

Bạn có thể thử: bánh canh cua biển, miến cua biển ở Hà Huy Tập, giá 35.000 - 40.000 đồng một bát. Xôi: góc Phan Đình Giót - Lê Hồng Phong, bán từ 6h đến 9h giá 5.000 - 10.000 đồng các loại. Bánh mỳ chảo: 16-18 Y Ngông giá 25.000 đồng một suất. Miến lươn: 67 Trần Quang Khải. Hủ tiếu khô: 160B Hoàng Diệu giá 20.000 đồng một bát. Bánh cuốn vị Bắc: 84 Mạc Thị Bưởi, 20.000 - 35.000 đồng...

Thăm Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Tây Nguyên

Nằm ngay trong trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, bảo tàng là địa chỉ luôn được khách nơi xa ghé chân khi tới đây. Bảo tàng được xây dựng hiện đại với các khu vực trưng bày riêng biệt từ văn hóa, lịch sử, hệ sinh thái... có hướng dẫn viên thuyết minh cặn kẽ, cụ thể, có khu vực trải nghiệm chơi đàn t'rưng, ngửi hạt cà phê, hồ tiêu...

24-gio-khong-chan-o-buon-ma-thuot-1

Bên cạnh đó, bảo tàng còn là một không gian xanh rộng lớn chẳng kém gì công viên với nhiều cây cổ thụ, thảm cỏ dài - là nơi nhiều người dân chọn để nghỉ ngơi, hóng mát, tập thể dục hàng ngày. Thông với Bảo tàng là Biệt điện Bảo Đại, nơi ở của vị vua cuối cùng triều Nguyễn tại Buôn Ma Thuột.

Bạn đừng quên chụp ảnh "check in" ở 2 cây long não nổi tiếng nhất phố núi, được công nhận là cây di sản của Việt Nam với chiều cao 30 m, nhiều nhánh lớn, tuổi đời gần 100 năm tuổi.

Trung tâm Thương mại Buôn Ma Thuột

Cái nắng buổi trưa ở Buôn Ma Thuột không quá gay gắt nhưng cũng không mấy dễ chịu. Vì thế, sau khi tham quan bảo tàng, bạn có thể "trốn" vào Trung tâm Thương mại Vincom để tránh nóng, đồng thời ăn trưa, tham gia một số trò chơi hoặc xem phim tùy thích.

Những người ở xa có lẽ ít biết tòa nhà này vừa mới khai trương ở Buôn Ma Thuột, với đầy đủ tiện nghi mua sắm, ăn uống, vui chơi dù ở quy mô nhỏ hơn các thành phố lớn như TP HCM hay Hà Nội. Trong đó, tầng 6 có một quán ăn với cửa kính lớn trong suốt, có thể nhìn xuống bao quát cả thành phố, được nhiều bạn trẻ yêu thích.

Làng cà phê Trung Nguyên

Buổi chiều, sau khi ăn uống no say, bạn có thể ghé qua Làng cà phê Trung Nguyên, một địa chỉ không thể bỏ qua khi tới thành phố cao nguyên. Đây không chỉ là địa điểm mua cà phê nổi tiếng mà còn được thiết kế như một công viên thu nhỏ. Bạn có thể không cần mua bất cứ sản phẩm nào, không cần uống nước trong quán mà vẫn có thể tham quan quần thể này miễn phí.

24-gio-khong-chan-o-buon-ma-thuot-2

Các khu tiểu cảnh được thiết kế đẹp mắt, hoành tráng như các thác nước lớn, cầu, suối, ao hồ, nhà sàn... với khách du lịch ra vào tấp nập. Khu vực này không bán vé nên bạn thoải mái ra vào chụp ảnh, vui chơi.

Nếu còn thời gian, bạn cũng có thể ghé qua Thiên đường Cafe Mehyco cũng tương tự nhưng ở quy mô nhỏ hơn một chút.

Tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột

Tượng đài nằm ở chính giữa vòng xoay Ngã Sáu, với mô hình xe tăng cắm cờ để kỷ niệm chiến thắng Buôn Ma Thuột, cũng là biểu tượng thiêng liêng của người dân thành phố. Dù ai đi đâu ở đâu thì chỉ cần nhìn thấy biểu tượng Ngã Sáu là như nhìn thấy nhà mình.

Con đường Nguyễn Tất Thành hay Lê Duẩn chạy thẳng đến tượng đài rất rộng, thoáng, vỉa hè lớn, thích hợp cho việc tản bộ, dạo mát trong buổi chiều. Thời điểm này, khu vực tượng đài cũng chưa quá đông nên bạn cũng không phải đợi lâu để chụp ảnh lưu niệm như buổi tối.

Ăn chiều

Có một món ăn bạn cũng nhất định phải thử ở Buôn Ma Thuột, đó là món bún đỏ, thường chỉ bán vào buổi chiều và tập trung đông nhất ở đường Phan Đình Giót. Đoạn đường chỉ dài 100 m mà có tới hơn 10 quán bún đỏ.

Những nguyên liệu chính để chế biến món ăn này được làm từ cua đồng, chả viên và những quả trứng cút luộc. Bát bún có màu hơi đỏ của hạt điều, màu đỏ tươi của miếng cà chua cắt hình múi cau ăn kèm rau cần nước và giá cùng một số phụ gia như mỡ hành, tóp mỡ rán giòn.

Ngoài ra, các món như bún cá dầm ở đường Hai Bà Trưng, bánh ướt thịt nướng 45 Trần Nhật Duật, cháo sườn óc heo, bánh cay gà đường Y Jut... cũng rất ngon.

Các quán cà phê dành cho tuổi teen

Ngoài các quán cà phê làm nên tên tuổi của vùng đất Ban Mê thì giới trẻ ở đây còn có rất nhiều sự lựa chọn khác, nơi có thiết kế hiện đại, cập nhật theo xu hướng giống ở TP HCM hay Hà Nội như lát gạch hoa, tường trắng, viết slogan nghệ thuật trên tường hay quán kiểu vintage hoài cổ.

24-gio-khong-chan-o-buon-ma-thuot-3

Bạn có thể ghé qua quán Bolero (sô 75 Y Moan) vừa khai trương có thiết kế khá đẹp, Ngọc cafe (số 1 Nguyễn Văn Trỗi) hay Thị cafe (71 Lý Thường Kiệt) với phong cách xưa cũ, Lavie's Coffee (36 Đào Tấn), Holiat (44 Đặng Thai Mai), Life Coffee (7 Trần Hữu Dực), Hippo Town (20A Ngô Quyền), Casa Coffee (10 Nguyễn Sơn)...

Quảng trường 10/3

Quảng trường nằm ở trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, rất thoáng rộng và ít bị xâm lấn bởi các hàng quán xung quanh. Các em nhỏ thường tới đây vui chơi, thả diều, đạp xe đạp đôi, thuê xích lô, trượt patin... vào các buổi chiều mát mẻ. Đến tối, khu vực này mới thực sự đông đúc. Các hàng quán ăn uống, giải khát nhộn nhịp, tưng bừng. Nhiều người dân còn mang theo báo, chiếu để trải xuống quảng trường và nghỉ ngơi, ăn uống...

Ăn tối

Một trong những món ngon bạn nên thử qua là thịt gà do đồng bào dân tộc nuôi. Thịt gà thơm, ngon, chắc, ngọt thịt, đặc biệt là giá rất rẻ (địa chỉ tham khảo: quán Sinh Đôi 84 Ngô Quyền hay gà hấp lá chanh đường Trương Công Định).

24-gio-khong-chan-o-buon-ma-thuot-4

Ngoài ra, một số món ăn no khác bạn có thể thử như cơm lam gà sa lửa, bò nhúng me Lê Thánh Tông, canh lá người Êđê, lẩu cá lăng 143 Ngô Quyền...

Ngồi beerclub

Quanh khu vực quảng trường 10/3, có khá nhiều quán beer được thiết kế dưới dạng beerclub khá vui vẻ, sôi động, không gian thoải mái, thân thiện, rất thích hợp để ngồi lai rai, hóng gió trước khi về.

24h đi chơi dịp Tết dương ngay trong Hà Nội

Không bắn pháo hoa nhưng Hà Nội vẫn còn rất nhiều điểm đến và lễ hội thú vị cho du khách ghé chơi, chào đón năm mới.

24h đi chơi dịp Tết dương ngay trong Hà Nội

Sáng: Cà phê - Phố đi bộ

Nếu không có nhiều dịp thảnh thơi uống cà phê và ngắm nhìn đường phố, bạn hãy tận dụng dịp này để ra ngoài cùng bạn bè hoặc người thân. Với vô số quán mới mở, có thiết kế đẹp ở Tống Duy Tân, Hai Bà Trưng, Bà Triệu... bạn có thể dễ dàng chọn cho mình một điểm dừng chân ưng ý. Trên ảnh là quán cà phê ngay gần Nhà thờ lớn thu hút giới trẻ thời gian gần đây. Ảnh: Eden coffee.

24h đi chơi dịp Tết dương ngay trong Hà Nội

Phố đi bộ ban ngày không thiếu hoạt động hấp dẫn so với buổi tối. Vào dịp Tết dương, nhiều chương trình ca nhạc do các nhóm, hội tổ chức sẽ khiến không gian nơi đây trở nên sôi động. Thêm vào đó là các trò chơi dân gian, vận động do các bạn trẻ tổ chức, giúp bạn như được trở về tuổi thơ. Ảnh: Mai Anh.

24h đi chơi dịp Tết dương ngay trong Hà Nội

Chiều: Hoàng thành Thăng Long - Vườn hoa Quảng Bá

Triển lãm Sống mãi với thủ đô và trưng bày cổ vật Ký ức về Hà Nội là hai sự kiện rất hấp dẫn đang được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long. Đến đây, bạn sẽ được tận mắt chứng kiến gần 200 tài liệu, hình ảnh cũng như hiện vật về cuộc kháng chiến của quân dân Hà Nội từ 1945 đến 1954. Ảnh: Thanh Tâm.

24h đi chơi dịp Tết dương ngay trong Hà Nội

Các hiện vật thời bao cấp được trưng bày ở khu ngoài trời là hoạt động bổ trợ cho triển lãm. Tại đây, bạn sẽ thấy từ những chiếc cốc, bát, phích trong đời sống sinh hoạt hàng ngày đến chiếc xe Minsk - một trong những mẫu xe được người dân Hà Nội ưa chuộng nhất. Ảnh: Đức Trí.

24h đi chơi dịp Tết dương ngay trong Hà Nội

Không còn dịp nào thích hợp hơn Tết để bạn chụp một bộ ảnh lưu niệm. Vườn hoa Quảng Bá là nơi được nhiều du khách chọn lựa vì nhiều loại hoa, lại không quá xa trung tâm. Trong ngõ 264 Âu Cơ, có rất nhiều vườn cho bạn lựa chọn để dừng chụp, giá vé vào cửa là 40.000 - 50.000 đồng. Đừng quên mang theo những bộ trang phục nổi bật trên nền hoa. Ảnh: Nguyễn Quốc Sơn.

24h đi chơi dịp Tết dương ngay trong Hà Nội

Tối: Lễ hội đèn lồng - Lễ hội đếm ngược

Nếu có thời gian, bạn nên tranh thủ ghé qua lễ hội đèn lồng tổ chức ở Gamuda City, Yên Sở, Hoàng Mai. Khi hoàng hôn vừa xuống, hàng nghìn đèn lồng đủ hình thù, màu sắc được thắp sáng, tạo nên khung cảnh lung linh. Giá vé vào cửa đối với người lớn là 80.000 đồng, trẻ em dưới 1m3 là 50.000 đồng và miễn phí với các bé dưới 80 cm. Ảnh: Vietnammoi.

24h đi chơi dịp Tết dương ngay trong Hà Nội

Đây là sự kiện được giới trẻ đón chờ nhất trong dịp Tết dương lịch, khi Hà Nội năm nay không tổ chức bắn pháo hoa. Lễ hội đếm ngược năm nay tổ chức tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ gần Hồ Hoàn Kiếm, và quảng trường Cách mạng tháng Tám, trước Nhà hát Lớn Hà Nội. Bạn sẽ được hòa mình vào không khí sôi động với sự góp mặt của nhiều ca sĩ nổi tiếng, chờ đến giây phút đếm ngược đón chào năm 2017. Ảnh: ANHP.

Thứ Tư, 20 tháng 12, 2017

Hải quân cứu bốn ngư dân bị chìm tàu

Tàu cá của bốn ngư dân Quảng Bình chìm trên biển khiến họ trôi dạt nhiều giờ trên thúng và được Hải quân ứng cứu.

Sáng 20/12, Vùng 3 Hải quân (đóng tại Đà Nẵng) đã bàn giao bốn ngư dân Quảng Bình cho lực lượng chức năng để đưa về địa phương.

Trước đó lúc 18h30 ngày 19/2, Sở chỉ huy Vùng 3 Hải quân nhận lệnh ra khơi tìm kiếm bốn ngư dân trên tàu cá QB 98436 bị phá nước, nguy cơ chìm tại vùng biển cách bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) khoảng 21 hải lý.

hai-quan-cuu-bon-ngu-dan-bi-chim-tau

Các ngư dân được Hải quân động viên sau tai nạn chìm tàu. Ảnh: Ngọc Trường.

Trong lúc chờ tàu hải quân ra cứu giúp, bốn ngư dân đã thay nhau tát nước cứu tàu nhưng bất thành. Khi tàu chìm hẳn, họ phải thả thuyền thúng rồi cùng nhau chèo vào hướng đất liền.

Biển động, sóng lớn khiến bốn thuyền viên ướt sũng giữa tiết trời mùa đông. Nhiều người kiệt sức vì đói và lạnh.

Sau ba giờ đồng hồ, tàu hải quân đã tiếp cận được hiện trường. Hiện sức khỏe của các ngư dân đã ổn định; riêng tàu cá bị chìm thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Sáu ngày trước, tàu cứu hộ của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải đóng tại Đà Nẵng cũng đã cứu kịp thời bảy ngư dân trên tàu cá bị chìm, ở vùng biển cách bờ 100 hải lý.

Thứ Ba, 19 tháng 12, 2017

Chưa lập Ban chỉ đạo chống ùn tắc giao thông ở Hà Nội và TP HCM

Hà Nội và TP HCM được giao chủ động tổ chức các giải pháp nhằm kiềm chế, tiến tới giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn. 

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo ý kiến của Thủ tướng về đề nghị thành lập Ban chỉ đạo triển khai các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội và TP HCM, do lãnh đạo Chính phủ làm Trưởng ban.

Theo đó, tại thời điểm này, Thủ tướng chưa xem xét thành lập Ban chỉ đạo nói trên. 

Thủ tướng giao UBND TP Hà Nội và TP HCM trong phạm vi quyền hạn, chủ động tổ chức các giải pháp nhằm kiềm chế, tiến tới giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn; những vấn đề vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng.

chua-lap-ban-chi-dao-chong-un-tac-giao-thong-o-ha-noi-va-tp-hcm

Ùn tắc giao thông ở thủ đô Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia có nhiệm vụ chủ động tham mưu, đề xuất với Thủ tướng các giải pháp cấp bách trước mắt và lâu dài nhằm chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội, TP HCM và cả nước.

Thủ tướng giao Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải rà soát, đề xuất các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án liên quan, trong đó có các dự án trên địa bàn TP Hà Nội, TP HCM, góp phần giảm ùn tắc giao thông đô thị.

Cách đây 5 tháng, Ban chỉ đạo triển khai các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội và TP HCM được dự kiến thành lập, theo hướng Thủ tướng làm Trưởng Ban; các Phó trưởng ban gồm: một Phó thủ tướng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, TP HCM...

Thời điểm này, Văn phòng Chính phủ lý giải, vấn đề ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội và TP HCM đã trở nên vô cùng cấp bách. Vì vậy cần phải có giải pháp đồng bộ về quy hoạch, giao thông, xây dựng, y tế, giáo dục và đào tạo, cũng như nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù

Quận trung tâm TP HCM muốn cấm 4 tuyến đường để tổ chức lễ hội

Đề xuất này của quận 3 bị Sở GTVT bác bỏ vì việc cấm nhiều tuyến đường ở trung tâm sẽ gây ùn tắc nghiêm trọng.

Trong văn bản gửi UBND TP HCM, Sở Giao thông Vận tải TP HCM khẳng định không đồng ý việc tổ chức chiếm dụng lòng đường, vỉa hè trên các tuyến đường xung quanh khu vực Công trường Quốc tế để phục vụ tổ chức sự kiện văn hóa nghệ thuật theo đề xuất của UBND quận 3.

quan-trung-tam-tp-hcm-muon-cam-4-tuyen-duong-de-to-chuc-le-hoi

Sở GTVT TP HCM không đồng ý cấm đường ở trung tâm vì lo ngại kẹt xe nghiêm trọng. Ảnh: Trung Sơn.

Sở GTVT cảnh báo việc cấm lưu thông trên đường Trần Cao Vân, Phạm Ngọc Thạch và đường Võ Văn Tần như đề nghị của UBND quận 3 sẽ tác động rất xấu đến tình hình giao thông cả một khu vực rộng lớn.

"Khả năng gây ùn tắc giao thông trên các tuyến như Hai Bà Trưng, Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Duẩn và đường Nguyễn Đình Chiểu là không thể tránh khỏi", văn bản nêu rõ.

Nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt trong dịp lễ hội cuối năm, Sở GTVT kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo 24 quận huyện không được cho phép sử dụng lòng đường, vỉa hè để tổ chức các hoạt động ngoài mục đích phục vụ giao thông.

Ngoài ra, Sở này cũng kiến nghị lãnh đạo thành phố quy rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện việc chiếm dụng lòng lề đường trái quy định.

Bên cạnh đó, chỉ đạo lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm soát phát hiện hành vi tự ý chiếm dụng lòng đường, vỉa hè để xử lý nghiêm, giải tỏa hiện trường nhanh chóng tránh ùn tắc, tai nạn có thể xảy ra.

Trước đó, chính quyền quận 3 đã có văn bản đề nghị Sở GTVT hỗ trợ phân luồng giao thông, cấm một số đoạn đường ở quanh khu vực Hồ Con Rùa để tổ chức chương trình văn hóa - nghệ thuật Hạt giống yêu thương vào cuối năm.

Hữu Nguyê

Phó chủ tịch Thanh Hóa không có tên trên lịch công tác sau khi bị kỷ luật

Sau quyết định kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Ngô Văn Tuấn đến cơ quan làm việc bình thường nhưng lịch công tác không có tên ông. 

Sáng 20/12, nhiều phóng viên đã đến trụ sở UBND tỉnh Thanh Hoá để đăng ký làm việc với ông Ngô Văn Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh, người vừa bị Ban bí thư thi hành kỷ luật.  

pho-chu-tich-thanh-hoa-khong-co-ten-tren-lich-cong-tac-sau-khi-bi-ky-luat

Phòng làm việc của ông Ngô Văn Tuấn ở tầng ba trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa luôn đóng kín. Ảnh: Lam Sơn.

Phòng làm việc của ông Ngô Văn Tuấn ở cuối hành lang tầng ba điện bật sáng. Ông Tuấn có mặt song từ chối tiếp xúc báo chí. "Không, không. Tôi không gặp", ông Tuấn nói và xua tay với các phóng viên.

Theo lịch công tác của Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa, từ ngày 18 đến 22/12, trong khi các lãnh đạo khác kín việc thì ông Tuấn không có hoạt động nào. Nguồn tin cho hay, một ngày trước ông Tuấn có ký một số văn bản thuộc lĩnh vực phụ trách.

Trả lời câu hỏi về việc, sau khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa phân công công tác với ông Tuấn như thế nào, người phát ngôn UBND tỉnh Ngô Hoàng Kỳ cho hay "các công việc đang bình thường".

Theo ông Kỳ, đến nay tỉnh mới biết thông tin qua báo chí, chưa nhận được thông báo bằng văn bản chính thức từ Trung ương. "Khi có chỉ đạo của cấp trên, tỉnh sẽ triển khai các bước và thông tin lại cho báo chí", ông Kỳ nói.

pho-chu-tich-thanh-hoa-khong-co-ten-tren-lich-cong-tac-sau-khi-bi-ky-luat-1

Sáng 20/12, mọi hoạt động ở trụ sở UBND tỉnh Thanh Hoá vẫn diễn ra bình thường. Ảnh: Lam Sơn.

Trước đó ngày 17/12, Ban bí thư đã họp thi hành kỷ luật đảng với ông Ngô Văn Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa.

Ban bí thư xác định, từ tháng 10/2010 - 11/2015, với cương vị Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Xây dựng, ông Tuấn đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác tổ chức, cán bộ.

Cụ thể, ông Tuấn cố ý làm trái các quy định của Hội đồng thi tuyển công chức tỉnh Thanh Hóa năm 2011; ban hành quyết định thành lập Hội đồng tuyển chọn cán bộ, công chức của Sở Xây dựng không đúng thẩm quyền nhằm ưu ái, nâng đỡ bà Trần Vũ Quỳnh Anh từ nhân viên lao động hợp đồng vào làm công chức chuyên môn; trong thời gian rất ngắn sau đó đã bổ nhiệm làm Phó Trưởng phòng, Trưởng phòng; đề nghị quy hoạch chức danh Phó giám đốc Sở và kết nạp Đảng, tham gia Đảng ủy Sở Xây dựng đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh trái quy định...

Vi phạm, khuyết điểm của ông Ngô Văn Tuấn được cho là rất nghiêm trọng. Quá trình kiểm điểm, ông Tuấn chưa nghiêm túc tự phê bình, thiếu thành khẩn. 

Mưu sinh trong đêm rét 10 độ ở Hà Nội

Sương xuống, gió đông bắc thổi mạnh, nhiều người phải ra đường làm việc để mưu sinh. Một số không có nhà, đành qua đêm dưới vỉa hè.

Mưu sinh trong đêm rét 10 độ ở Hà Nội

Từ ngày 16/12 đến nay, nhiệt độ về đêm ở trung tâm thủ đô chỉ 10 độ C. Sương lạnh cùng những cơn gió mùa đông bắc khiến đường phố vắng hơn thường lệ.

Chị Ngân đang trên đường đến chợ Long Biên - chợ đầu mối nông sản lớn nhất thủ đô - lấy hoa quả về bán. Đến chợ từ 2h, chị phải chờ đến 4h hàng mới về.

Mưu sinh trong đêm rét 10 độ ở Hà Nội

Kéo xe ban đêm ở chợ Long Biên, anh Hùng người Bắc Giang nói: "Cứ đẩy hàng thì ấm người, chứ lúc ngồi không lạnh buốt hết chân tay".

Mưu sinh trong đêm rét 10 độ ở Hà Nội

Là công nhân vệ sinh, công việc chỉ tiến hành vào ban đêm, chị Ngát bảo qua 0h trời rét buốt, tay chân cóng, phải đeo găng tay da, đầu chít khăn giữ ấm. 

Mưu sinh trong đêm rét 10 độ ở Hà Nội

Trên phố Nguyễn Hữu Huân, những công nhân đang cố gắng làm thật nhanh để kịp tiến độ. Họ bắt đầu công việc lúc 23h và kết thúc khi 5h.

Mưu sinh trong đêm rét 10 độ ở Hà Nội

Người phụ nữ làm nghề ve chai đạp xe giữa phố Trần Hưng Đạo. Dù khuya rét, chị vẫn vui vì mua được nhiều đồ.

Mưu sinh trong đêm rét 10 độ ở Hà Nội

Dưới gầm cầu đường sắt trên cao phố Hoàng Cầu, bà Huyền đốt lửa sưởi ấm. "Mỗi ngày tôi đi nhặt ve chai chỉ được khoảng 50.000 đồng, không dám chi tiêu gì, việc ăn uống cũng đơn giản. Đến bữa, tôi lại mua 2.000 đồng nước sôi ở quán trà đá để pha mì tôm. Mùa đông rét, chân tay đau nhức, nhưng không đi nhặt ve chai thì lấy gì mà sống", cụ bà 71 tuổi quê Nam Định nói.

Mưu sinh trong đêm rét 10 độ ở Hà Nội

Người đàn ông vô gia cư kiếm một bậc thềm trên phố Hàng Gai ngủ. Xe đạp cùng cái điếu cày được ông khóa, dựng sát chỗ nằm. Ban ngày như nhiều người vô gia cư khác, ông lại đi làm thuê, hoặc nhặt rác mưu sinh.

Mưu sinh trong đêm rét 10 độ ở Hà Nội

Trên hè phố Tràng Thi, cụ già vô gia cư chốc chốc lại trở mình vì rét và vì tiếng rú ga xe máy giữa đêm.

Dự báo, đợt rét sẽ kéo dài đến hết 21/12. Ban đêm miền Bắc chỉ 8-11, vùng núi dưới 7 độ. Ban ngày, trời nắng hanh, cao nhất 21 độ C.

Thứ Hai, 18 tháng 12, 2017

Quảng Nam giải trình việc bổ nhiệm giám đốc Sở 30 tuổi như thế nào?

Báo cáo của tỉnh Quảng Nam gửi Bộ Nội vụ hai năm trước, nêu việc bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo làm giám đốc Sở là đúng quy định.

Theo kết luận tại kỳ họp 20 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, với cương vị Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó bí thư Ban cán sự đảng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Huỳnh Khánh Toàn đã ký báo cáo của UBND tỉnh trình Bộ Nội vụ về công tác cán bộ và bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo giữ chức vụ Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư có một số nội dung không chính xác.

Vậy báo cáo trên có nội dung như thế nào? 

Một nguồn tin cho biết, ngày 4/10/2015, ông Huỳnh Khánh Toàn đã ký văn bản báo cáo giải trình về việc bổ nhiệm Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam. Trong đó khẳng định việc bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo vào vị trí trên là "đúng quy định hiện hành của Tỉnh uỷ Quảng Nam" và "đảm bảo quy định của Chính phủ, Bộ Nội vụ".

quang-nam-se-hop-xu-ly-sau-khi-uy-ban-kiem-tra-trung-uong-cong-bo-ket-luan

Ông Lê Phước Hoài Bảo, Giám đốc Sở kế hoạch đầu tư Quảng Nam, bị Ủy ban kiểm tra Trung ương yêu cầu xóa tên trong danh sách đảng viên. Ảnh: Đắc Thành.

Quy trình bổ nhiệm ông Hoài Bảo được cho hoàn toàn đảm bảo quy định hiện hành của tỉnh và của Trung ương. Trong đó, thực tế là Sở Kế hoạch Đầu tư có nhu cầu bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo và việc bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo là do người tiền nhiệm đến tuổi nghỉ hưu (nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Trần Văn Tri) giới thiệu, đề cử; được tập thể cấp uỷ, Ban giám đốc và cả đội ngũ cán bộ chủ chốt của Sở đồng thuận, bỏ phiếu kín với mức tín nhiệm cao (100%).

Sở Kế hoạch Đầu tư lập đầy đủ hồ sơ, thủ tục báo cáo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh để thảo luận và thống nhất bỏ phiếu kín, với mức tín nhiệm 100%. Đồng thời, Ban tổ chức Tỉnh uỷ đã thẩm định, hoàn chỉnh hồ sơ nhân sự, tổng hợp đầy đủ các ý kiến về nhân sự của cơ quan liên quan, đề xuất phương án nhân sự và có tờ trình báo cáo Thường trực Tỉnh uỷ, Ban thường vụ Tỉnh uỷ xem xét, quyết định.

Về một số thông tin dư luận báo chí phản ánh, đặt câu hỏi "Có hay không việc ông Lê Phước Hoài Bảo là con trai của Bí thư Tỉnh uỷ nên mới được bổ nhiệm và thăng chức nhanh như vậy?". Báo cáo nêu, UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định mọi cán bộ công chức của Quảng Nam đều có cơ hội như nhau. Nếu cán bộ công chức được đào tạo cơ bản, đảm bảo tiêu chuẩn chính trị, có trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, có chí tiến thủ và làm được việc thì chắc chắn sẽ được thăng tiến.

Trong thực tế, số giám đốc, phó giám đốc các sở, ban ngành và tương đương ở Quảng Nam, độ tuổi từ 30 đến 40 chiếm tỷ lệ trên 24%...

Báo cáo cũng nêu, đối chiếu với các quy định liên quan của tỉnh Quảng Nam, ông Lê Phước Hoài Bảo đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia đào tạo ở nước ngoài (nhập học tháng 8/2010). 

Quảng Nam sẽ rà soát toàn bộ quy trình công tác cán bộ

Ngày 18/12, ông Phan Việt Cường - Phó bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam cho hay, địa phương mới chỉ biết nội dung kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương qua báo chí, chưa nhận được văn bản. 

"Theo quy định, Ủy ban kiểm tra Trung ương sẽ có buổi công bố kết luận cụ thể. Sau đó Ban thường vụ Tỉnh ủy họp và sẽ có công bố chính thức", ông Cường nói.

Ông Nguyễn Hồng Quang, Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trong quá trình làm việc với đoàn kiểm tra, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và các ngành chức năng đã cung cấp đầy đủ hồ sơ cho đoàn, kèm theo giải trình cụ thể.

Sau khi có thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và qua nội dung làm việc với đoàn kiểm tra, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh sẽ soát xét lại các khâu trong công tác liên quan đến cán bộ, kiểm tra chấn chỉnh các vi phạm, khuyết điểm mà Ủy Ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra. Cụ thể là rà soát toàn bộ quy trình đào tạo, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm... sao cho chặt chẽ, đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định của Đảng và Nhà nước.

Trước đó ngày 16/12, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thông báo kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng UBND tỉnh và ông Lê Phước Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

Trong số các vi phạm, khuyết điểm của ông Thanh được cơ quan kiểm tra chỉ ra, có việc không gương mẫu, biểu hiện ưu ái, vun vén cho gia đình trong quy hoạch, luân chuyển, điều động và quyết định bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo (là con trai của ông Thanh) giữ các chức vụ Trưởng phòng của Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, Phó chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, Phó giám đốc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vi phạm quy trình, thủ tục; để UBND tỉnh quyết định cử ông Lê Phước Hoài Bảo đi học thạc sỹ tại nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước không đúng quy định.

Theo kết luận kiểm tra, ông Lê Phước Hoài Bảo, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam đã không trung thực trong việc kê khai quá trình công tác của bản thân trong hồ sơ, lý lịch và hồ sơ nhân sự ứng cử Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020.

Ông Bảo cũng có ý thức tổ chức kỷ luật kém; vi phạm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt của Đảng, bỏ sinh hoạt đảng nhiều tháng, không chuyển sinh hoạt đảng theo quy định trong thời gian đi học Thạc sỹ tại nước ngoài.

UBKT Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam chỉ đạo tổ chức đảng và cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục xóa tên trong danh sách đảng viên, hủy bỏ các quyết định về công tác cán bộ không đúng đối với ông Lê Phước Hoài Bảo.

Băng đóng dày trên đỉnh Fansipan

Nhiệt độ xuống 0, mưa nhỏ vào đêm qua khiến đỉnh núi cao nhất Đông Dương phủ một lớp băng dày trắng xóa. 

bang-dong-day-tren-dinh-fansipan

Băng phủ trắng đỉnh núi Fansipan. Ảnh: CTV.

Đêm qua Sa Pa (Lào Cai) có mưa nhỏ, nhiệt độ tại thị trấn xuống 3. Tại đỉnh núi Fansipan cao 3.143 m so với mực nước biển, nền nhiệt dưới 0 độ. 

Hơi nước, giọt mưa đọng trên cây cối, mặt đất kết thành lớp băng dày, phủ trắng xóa từ đỉnh núi xuống vài trăm mét. Chỗ khuất gió, băng kết dày tới 5 cm.

Đến 8h, trời nắng băng tan dần, nhưng vẫn dày do nhiệt độ chỉ dưới 1. 

bang-dong-day-tren-dinh-fansipan-1

Cây cối gần đỉnh Fansipan bao phủ lớp băng dày. Ảnh: CTV.

Hai hôm trước, nhiệt độ Fansipan xuống 0, song trời quang mây, không mưa nên lớp băng kết từ hơi nước mỏng và nhanh chóng tan khi nắng lên. 

Đây là lần thứ ba đỉnh núi cao nhất Đông Dương xuất hiện băng giá trong mùa đông này. Hai đợt trước vào ngày 31/10 và 26/11 băng xuất hiện mỏng hơn.

bang-dong-day-tren-dinh-fansipan-2

Những chỗ kết gió, băng kết tua tủa. Ảnh: Nguyễn Chiến.

Miền Bắc đang trải qua đợt rét nhất từ đầu đông, nhiệt độ vùng núi cao phổ biến 4-7, đồng bằng 8-13.

Hôm qua, lần đầu tiên Ba Vì (Hà Nội) rét 8 độ, trung tâm thủ đô 12 độ C. Một số nơi ở Nam Bộ xuống 17 độ - thấp nhất từ đầu năm.

Miền Bắc và Bắc Trung Bộ rét đậm trong vài ngày tới

Nhiều điểm ở Nghệ An xuống còn 6 độ, Hà Nội thấp nhất 7 độ. Riêng miền Nam nền nhiệt tăng so với hôm qua.

Không khí lạnh tiếp tục được tăng cường kéo nền nhiệt miền Bắc và Bắc Trung Bộ xuống thấp hơn so với hôm qua 0,5-1 độ C.

Hầu hết trạm quan trắc của 18 tỉnh thành trung du, miền núi phía Bắc đêm qua và sớm nay dưới 10. Rét nhất là Trùng Khánh (Cao Bằng) 2 độ; Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Sìn Hồ (Lai Châu) xấp xỉ 3; Pha Đin (Điện Biên), Sa Pa (Lào Cai) trên 3.

Có tỉnh như Cao Bằng bốn trạm đo ở thành phố Cao Bằng, Bảo Lạc, Nguyên Bình và Trùng Khánh đều không quá 5 độ. Bắc Kạn ba trạm đo Chợ Rã, Ngân Sơn, Bắc Kạn nhiệt độ không quá 6; Sơn La chín trạm đo đều dưới 9 độ C.

Tại đỉnh núi Fansipan (Sa Pa, Lào Cai) cao 3.143 m so với mực nước biển, băng giá bao phủ dày do đêm qua trời mưa nhỏ, nhiệt độ xuống dưới 0. Giá rét khiến người dân vùng cao phải thức dậy muộn hơn. Trâu bò, gia súc được lùa xuống dưới thấp, hoặc nhốt vào chuồng chứ không thả rông như trước.

mien-bac-va-bac-trung-bo-chim-sau-trong-gia-ret

Đỉnh Fansipan sáng nay kết băng. Ảnh: Nguyễn Chiến.

Đồng bằng Bắc Bộ sớm nay chỉ 7-13 độ C. Trong đó rét nhất là Ba Vì (Hà Nội) và Nho Quan (Ninh Bình) hơn 7 độ, thấp hơn hôm qua 1 độ C. Đến 7h, nắng tràn ngập, nhưng do nhiệt xuống thấp nên không xua tan được cái lạnh.

Nằm phía bắc đèo Ngang, người dân Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đang nếm trải cảm giác rét buốt nhất từ đầu đông. Sáng nay Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tây Hiếu (Nghệ An) chỉ 6 độ; Hồi Xuân, Bái Thượng (Thanh Hóa) hơn 7 độ.

Trung Trung Bộ nằm sâu trong khối không khí lạnh nên sớm nay phổ biến 14-17 độ, thấp nhất là thành phố Quảng Bình 9 độ, A Lưới (Thừa Thiên Huế) 12 độ C. 

Nam Bộ nền nhiệt hôm nay nhích hơn so với hôm qua 1 độ, thấp nhất là Tây Ninh; Tà Lài, Long Khánh (Đồng Nai) hơn 18 độ, TP HCM hơn 21 độ C.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, không khí lạnh tiếp tục tăng cường nên đợt rét đậm, rét hại (trung bình ngày lần lượt từ 15 và 13 độ C trở xuống) ở miền Bắc, Bắc Trung Bộ sẽ kéo dài hơn một ngày so với nhận định trước đó, đến 21/12. 

Trời tiếp tục hanh khô, nhiệt độ ngày và đêm chênh lệch 10-12. Thấp nhất về sáng và đêm vùng đồng bằng Bắc Bộ 9-12 độ, vùng núi và trung du 6-9 độ, vùng núi cao dưới 5 độ. Băng giá và sương muối sẽ tiếp tục xuất hiện.

Từ 15/12, không khí lạnh mạnh tràn về miền Bắc, sau đó liên tục được bổ sung và xâm lấn tới cả Nam Bộ. Đêm qua là thời điểm rét nhất khi Ba Vì (Hà Nội) xuống chỉ còn hơn 7 độ, nhiều huyện Nghệ An chỉ còn hơn 6 độ.

Thứ Bảy, 16 tháng 12, 2017

Ông Đinh La Thăng có thêm hai luật sư bảo vệ

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp tham gia bảo vệ cho cả hai anh em ông Thăng và đã được cơ quan điều tra cấp giấy chứng nhận bào chữa.

Tối 16/12, ông Nguyễn Huy Thiệp (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết đã được nhận giấy chứng nhận bào chữa cho ông Đinh La Thăng (nguyên chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên ủy viên Bộ Chính trị).

Ngoài ông Thiệp, luật sư Đào Hữu Đăng cũng tham gia bảo vệ quyền và lợi ích cho ông Thăng. Trước đó, ông Phan Trung Hoài (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, thành viên Đoàn luật sư TP HCM) đã được cấp giấy chứng nhận bào chữa cho ông Thăng.

Theo luật sư Thiệp, ông còn tham gia bào chữa cho bị can Đinh Mạnh Thắng (em trai ông Thăng, cựu chủ tịch HĐQT Công ty dầu khí Sông Đà) và đã được cơ quan điều tra cấp giấy chứng nhận bào chữa. Ngày 16/12, luật sư đã dự buổi hỏi cung ông Thắng.

Ông Thăng bị khởi tố ngày 8/12 về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng do liên quan hai vụ án đang được điều tra. Đó là vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc góp vốn của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank); vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) và Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình II.

Ông Đinh Mạnh Thắng (55 tuổi) bị bắt, khởi tố ngày 9/12 khi nhà chức trách mở rộng điều tra vụ án Tham ô tài sản xảy ra tại Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower Land) và Công ty Cổ phần Minh Ngân.

- Năm 2006-2011, ông Đinh La Thăng làm Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN rồi Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên. Ông sau đó làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải, nhiệm kỳ 2011-2016. Hồi tháng 5, ông bị cách chức Ủy viên Bộ Chính trị, đồng thời phải rời ghế Bí thư Thành ủy TP HCM, được điều chuyển làm Phó ban Kinh tế Trung ương.

- Ông Đinh Mạnh Thắng là Bí thư đảng ủy, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thương mại và vận tải Sông Đà (nay là Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại dầu khí Sông Đà) từ tháng 5/2006. Tháng 4/2017, tại đại hội cổ đông thường niên, ông bị miễn nhiệm chức chủ tịch hội đồng quản trị vì lý do cá nhân.

Phó chủ tịch Thanh Hóa bị đề nghị kỷ luật vì không trong sáng

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư kỷ luật nghiêm ông Ngô Văn Tuấn do liên quan bổ nhiệm "thần tốc" nữ trưởng phòng.

Trong hai ngày 12-13/12, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 20 do Chủ nhiệm Ủy ban Trần Quốc Vượng chủ trì.

Tại kỳ họp, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét kết quả kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa về việc thi hành kỷ luật Đảng với ông Ngô Văn Tuấn, Phó chủ tịch tỉnh, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng và ông Đào Vũ Việt, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Xây dựng.

Cơ quan kiểm tra nhận định, từ tháng 10/2010 đến 11/2015, với cương vị Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Xây dựng, ông Ngô Văn Tuấn đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm quy định về công tác tổ chức, cán bộ. Ông bị xác định làm trái quy định của Hội đồng thi tuyển công chức tỉnh Thanh Hóa năm 2011; ban hành quyết định không đúng thẩm quyền về thành lập Hội đồng tuyển chọn cán bộ, công chức của Sở Xây dựng.

pho-chu-tich-thanh-hoa-bi-de-nghi-ky-luat-vi-khong-trong-sang

Bà Trần Vũ Quỳnh Anh được cho là "thăng tiến thần tốc". Ảnh: LS

Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, với trách nhiệm là Giám đốc Sở Xây dựng, Bí thư Đảng ủy cơ quan, ông Tuấn đã ưu ái, nâng đỡ không trong sáng đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh trong việc ra các quyết định về công tác cán bộ, vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước như: tiếp nhận, điều động bà Trần Vũ Quỳnh Anh từ nhân viên hợp đồng ở đơn vị sự nghiệp về làm công chức chuyên môn; trong một thời gian rất ngắn bổ nhiệm làm Phó trưởng phòng, Trưởng phòng, đề nghị quy hoạch chức danh Phó giám đốc Sở; việc kết nạp Đảng, tham gia Đảng ủy Sở Xây dựng.

Ông Tuấn ban hành quyết định về tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ không đúng thẩm quyền, vi phạm tiêu chuẩn cán bộ do cấp có thẩm quyền quy định; bổ nhiệm nhiều trưởng phòng, phó trưởng phòng chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn; điển hình là trường hợp bà Trần Vũ Quỳnh Anh.

Ông còn thành lập mới một số ban chuyên trách trực thuộc Sở Xây dựng trái thẩm quyền, trái các chủ trương của Đảng, Nhà nước về cải cách hành chính, tinh giản tổ chức bộ máy, biên chế.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra, cũng tại Thanh Hóa, ông Đào Vũ Việt với cương vị Phó giám đốc (từ tháng 10/2013 đến 11/2015) và Giám đốc Sở Xây dựng (từ tháng 12/2015 đến nay) đã vi phạm quy định về công tác tổ chức, cán bộ. Ông ký quyết định thành lập mới một số ban trái thẩm quyền, vượt số lượng quy định; ký quyết định bổ nhiệm một số trưởng phòng, phó trưởng phòng không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, vượt số lượng quy định.

Ông Việt được xác định thiếu trách nhiệm trong việc không báo cáo Sở Nội vụ, không công khai cho cán bộ, công chức trong cơ quan về việc quyết định cho bà Trần Vũ Quỳnh Anh thôi việc. Ông cũng phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của tập thể Đảng ủy Sở Xây dựng giai đoạn 2015-2016 và cùng chịu trách nhiệm của tập thể Đảng ủy Sở về những vi phạm, khuyết điểm giai đoạn 2013-2015.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định những vi phạm, khuyết điểm của ông Ngô Văn Tuấn là rất nghiêm trọng, của ông Đào Vũ Việt là nghiêm trọng. Những vi phạm nói trên xảy ra trong thời gian dài, có tính hệ thống; gây bức xúc, hoài nghi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng bộ Sở Xây dựng, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa.

Tuy nhiên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa chỉ xem xét, xử lý kỷ luật ông Ngô Văn Tuấn ở mức khiển trách và không kỷ luật ông Đào Vũ Việt là chưa tương xứng với tính chất, mức độ lỗi phạm theo quy định của Đảng.

Căn cứ Quy định 102 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định cảnh cáo ông Đào Vũ Việt và đề nghị Ban bí thư xem xét, thi hành kỷ luật ông Ngô Văn Tuấn với mức nghiêm khắc.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc qua vụ việc nêu trên; kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh công tác tổ chức, cán bộ trong toàn tỉnh.

Đầu tháng 3, một số cơ quan báo chí phản ánh nữ Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Sở Xây dựng Thanh Hóa) có quá trình thăng tiến "thần tốc" và sở hữu biệt thự, xe sang.

Qua thanh tra, cơ quan chức năng xác định, ngày 18/4/2014, Giám đốc Sở Xây dựng bổ nhiệm bà Quỳnh Anh giữ chức Phó trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản. Sáu tháng sau, bà này tiếp tục được cất nhắc lên Trưởng phòng. Các quyết định bổ nhiệm được ban hành khi nữ cán bộ chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn: "Thời gian công tác ở lĩnh vực mình phụ trách về chuyên môn nghiệp vụ ít nhất từ 3 năm trở lên; có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên, đã qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước".

Ngày 29/9, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá đã bỏ phiếu thống nhất hình thức kỷ luật khiển trách đối với ông Ngô Văn Tuấn - Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh; yêu cầu kiểm điểm sâu sắc đối với ông Đào Vũ Việt - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Xây dựng; bà Trần Vũ Quỳnh Anh bị khai trừ Đảng.

Hàng loạt cán bộ bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật

Tại kỳ họp thứ 20, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã cảnh cáo, khiển trách nhiều cán bộ và đề nghị Ban bí thư kỷ luật một số người.

hang-loat-can-bo-bi-uy-ban-kiem-tra-trung-uong-de-nghi-ky-luat

Kỳ họp thứ 20 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật, đề nghị kỷ luật hàng loạt cán bộ. Ảnh: KT

Trong hai ngày 12 và 13/12, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ thứ 20, đưa ra quyết định kỷ luật hoặc đề nghị Ban bí thư xem xét thi hành kỷ luật đối với hàng loạt cán bộ.

Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa đã "bổ nhiệm thần tốc" nữ trưởng phòng

Theo cơ quan kiểm tra, từ tháng 10/2010 - 11/2015, với cương vị Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hoá, ông Ngô Văn Tuấn - Tỉnh uỷ viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh, đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác tổ chức, cán bộ.

Cụ thể, ông Tuấn đã làm trái quy định của Hội đồng thi tuyển công chức tỉnh Thanh Hóa năm 2011; ban hành quyết định không đúng thẩm quyền về thành lập Hội đồng tuyển chọn cán bộ, công chức của Sở Xây dựng.

Với trách nhiệm là Giám đốc Sở Xây dựng, Bí thư Đảng ủy Cơ quan, ông Tuấn đã ưu ái, nâng đỡ không trong sáng đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh trong việc ra các quyết định về công tác cán bộ vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước như: Tiếp nhận, điều động Trần Vũ Quỳnh Anh từ nhân viên hợp đồng ở đơn vị sự nghiệp về làm công chức chuyên môn; trong một thời gian rất ngắn bổ nhiệm làm Phó Trưởng phòng, Trưởng phòng, đề nghị quy hoạch chức danh Phó Giám đốc Sở; việc kết nạp Đảng, tham gia Đảng ủy Sở Xây dựng.

Ông Tuấn cũng đã ban hành quyết định về tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ không đúng thẩm quyền, vi phạm tiêu chuẩn cán bộ do cấp có thẩm quyền quy định; bổ nhiệm nhiều trưởng phòng, phó trưởng phòng chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn, trong đó điển hình là trường hợp bà Trần Vũ Quỳnh Anh...

hang-loat-can-bo-bi-uy-ban-kiem-tra-trung-uong-de-nghi-ky-luat-1

Ông Ngô Văn Tuấn. Ảnh: Lam Sơn

Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng chỉ ra, ông Đào Vũ Việt với cương vị Phó Giám đốc (từ tháng 10/2013 đến 11/2015) và Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hoá (từ tháng 12/2015 đến nay) đã vi phạm quy định về công tác tổ chức, cán bộ.

Ông Việt đã ký quyết định thành lập mới một số ban trái thẩm quyền, vượt số lượng quy định; ký quyết định bổ nhiệm một số trưởng phòng, phó trưởng phòng không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, vượt số lượng quy định...

Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Đào Vũ Việt; đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật ông Ngô Văn Tuấn với mức nghiêm khắc.

Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa được yêu cầu tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc qua vụ việc nêu trên; kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh công tác tổ chức, cán bộ trong toàn tỉnh.

Nguyên Bí thư Quảng Nam có biểu hiện "vun vén cho gia đình"

Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng UBND tỉnh và ông Lê Phước Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.

Theo đó, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2011-2016 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác tổ chức cán bộ trong việc đề nghị bổ nhiệm, luân chuyển, điều động một số nhân sự không đúng quy định.

Ban cán sự đảng UBND tỉnh này cũng đã buông lỏng lãnh đạo, để UBND tỉnh và cơ quan chức năng tuyển dụng công chức, xét tuyển viên chức không qua thi tuyển; điều động, luân chuyển, bổ nhiệm một số trường hợp không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, vi phạm nguyên tắc, quy trình, thủ tục; có sự ưu ái đối với con của các Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

hang-loat-can-bo-bi-uy-ban-kiem-tra-trung-uong-de-nghi-ky-luat-2

Ông Lê Phước Thanh. Ảnh: Đức Hùng.

Ông Lê Phước Thanh, Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2011-2016 bị xác định là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; không gương mẫu, có biểu hiện ưu ái, vun vén cho gia đình trong việc quy hoạch, luân chuyển, điều động và quyết định bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo (con trai) giữ các chức vụ (Trưởng phòng của Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, Phó Giám đốc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư) không đủ tiêu chuẩn, điều kiện...

Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng cho rằng, ông Đinh Văn Thu với cương vị là Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh và trước đó là Phó bí thư Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh có phần trách nhiệm về các vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021 và Ban thường vụ Tỉnh ủy.

Ông Thu cũng chưa gương mẫu khi ký văn bản đề nghị bổ nhiệm con trai khi chưa được phê duyệt quy hoạch; để UBND tỉnh tuyển dụng công chức không qua thi tuyển, bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo đối với con trai chưa đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn.

Ông Huỳnh Khánh Toàn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, trong thời gian là Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; đề nghị tuyển dụng công chức không qua thi tuyển, chỉ đạo quy hoạch, đề nghị luân chuyển, bổ nhiệm đối với một số trường hợp không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, trong đó có con cán bộ chủ chốt của tỉnh.

Còn Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Phước Hoài Bảo bị xác định không trung thực trong việc kê khai quá trình công tác của bản thân trong hồ sơ, lý lịch và hồ sơ nhân sự ứng cử Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020.

Đồng thời, ông Bảo có ý thức tổ chức kỷ luật kém; vi phạm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt của Đảng, bỏ sinh hoạt đảng nhiều tháng, không chuyển sinh hoạt đảng theo quy định trong thời gian đi học Thạc sỹ tại nước ngoài.

Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, những vi phạm, khuyết điểm của ông Lê Phước Thanh là rất nghiêm trọng; vi phạm, khuyết điểm của ông Đinh Văn Thu, ông Huỳnh Khánh Toàn và ông Lê Phước Hoài Bảo là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân, gây dư luận bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Vì vậy, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định tiến hành quy trình xử lý kỷ luật đối với các ông nói trên.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam chỉ đạo tổ chức đảng và cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục xóa tên trong danh sách đảng viên, hủy bỏ các quyết định về công tác cán bộ không đúng đối với ông Lê Phước Hoài Bảo...

Đề nghị kỷ luật nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc

Tại kỳ họp, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2010-2015; ông Phạm Văn Vọng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015, Chủ tịch HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016; thi hành kỷ luật ông Phùng Quang Hùng, Phó bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2011-2016.

Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2010-2015, ông Phạm Văn Vọng và ông Phùng Quang Hùng là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật cảnh cáo với ông Phùng Quang Hùng; đề nghị Bộ Chính trị, Ban bí thư thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2010-2015 và ông Phạm Văn Vọng theo thẩm quyền.

Trước đó tại kỳ họp thứ 19, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, ông Phạm Văn Vọng chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2010-2015; với vai trò chủ trì để Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương một số dự án có sử dụng đất không đúng quy định của pháp luật...

Ông Phùng Quang Hùng cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015. Ngoài ra, với cương vị người đứng đầu UBND tỉnh, ông Hùng chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của UBND tỉnh; để UBND tỉnh phê duyệt dự án vi phạm pháp luật, không phù hợp với quy hoạch; giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất; thanh toán trùng chi phí đầu tư gây thất thoát ngân sách Nhà nước.

Ông Hùng cũng thiếu trách nhiệm trong việc quyết định giao chủ đầu tư dự án không có năng lực; phê duyệt đầu tư, phê duyệt kế hoạch đấu thầu, giao chỉ định thầu một số dự án trọng điểm trái quy định, gây lãng phí, thất thoát vốn đầu tư.

nguyen-bi-thu-tinh-uy-vinh-phuc-bi-de-nghi-ky-luat

Ông Phạm Văn Vọng, nguyên bí thư tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: PV

Nguyên Bí thư đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Đắk Nông bị cảnh cáo

Ông Nguyễn Thanh Sơn, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh và ông Lê Ân Tình, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, nguyên trưởng Công an huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông cũng bị xem xét thi hành kỷ luật.

Ông Nguyễn Thanh Sơn trong thời gian giữ các chức vụ Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Đắk Nông, ông và gia đình mặc dù không thuộc đối tượng, không đủ điều kiện, tiêu chuẩn nhưng đã kê khai nguồn gốc đất khai hoang không đúng thực tế, hợp thức hóa thủ tục, có đơn đề nghị và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 41,5ha, vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai, quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Theo cơ quan kiểm tra, vi phạm, khuyết điểm của ông Nguyễn Thanh Sơn làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân. Căn cứ Quy định số 102 của Bộ Chính trị, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định cảnh cáo với ông Sơn.

Ông Lê Ân Tình được xác định đã ký hợp đồng nhận giao khoán 28 ha rừng không đúng đối tượng, không đủ điều kiện, tiêu chuẩn.

Sau khi nhận giao khoán đất rừng đã không quản lý được diện tích được giao, để phần lớn đất rừng bị chặt phá; tự ý sử dụng không đúng mục đích, vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai, quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Ủy ban Kiểm tra cho rằng, vi phạm, khuyết điểm của ông Lê Ân Tình làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân nên thi hành kỷ luật khiển trách.

Nhiều cửa hàng Khaisilk tìm người thuê mặt bằng

Một số mặt bằng trước đây là cửa hàng của Khaisilk tại Hà Nội, TP HCM đang treo biển tìm kiếm khách thuê. 

Khảo sát của VnExpress tại các cửa hàng của Khaisilk ở TP HCM cho thấy, toàn bộ bảng hiệu, cũng như sản phẩm đã không còn. Mặt bằng mà thương hiệu trước đây thuê tại 101 Đồng Khởi (quận 1) đang treo bảng cho thuê.

Người dân xung quanh cho biết, cửa hàng này đã đóng cửa hơn nửa tháng nay và mặt bằng đã trao trả cho chủ cũ. Chủ sở hữu treo bảng thuê đã lâu, nhưng nay mới thấy có khách rục rịch đến hỏi thăm.

Còn tại cửa hàng số 34 Võ Văn Tần quận 3, bảo vệ tại đây cho biết, 10/11 - 10/12 vẫn có nhân viên đến nhận đổi hàng cho khách nhưng tới nay thì không còn ai tại cửa hàng. Toàn bộ mặt bằng đã bị niêm phong và trả lại.

nhieu-cua-hang-khaisilk-tim-nguoi-thue-mat-bang

Cửa hàng Khaisilk trước đây tại 101 Đồng Khởi đang treo biển cho thuê. Ảnh: Thành Nguyễn.

Trong khi đó, tại Hà Nội, hai cửa hàng của Khaisilk ở 113 Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm) và 26 Nguyễn Thái Học (quận Ba Đình) cũng thông báo đóng cửa từ cuối tháng 10 - thời điểm cơ quan quản lý thị trường tiến hành kiểm tra hoạt động kinh doanh của đơn vị này. Ngày 16/12, cửa hàng ở địa chỉ 26 Nguyễn Thái Học, hai tầng đóng kín cửa, biển hiệu đã bị tháo. Một môi giới bất động sản cho hay, chủ cửa hàng đang tìm khách thuê. Tuy nhiên, anh này không tiết lộ ai là chủ sở hữu của lô đất. 

Cửa hàng thứ hai của của Khaisilk ở Hà Nội nằm ở số 113 Hàng Gai hầu như không hoạt động từ cuối tháng 10. 

"Khoảng tuần đầu mới đóng cửa, thỉnh thoảng có thấy người ra vào. Tuy nhiên, một tháng nay thì rất ít khi có người đến cửa hàng", một người sinh sống ở gần cửa hàng cho hay. 

Chị Tính, một khách hàng từng mua một số mặt hàng tại đây cho biết, hồi đầu tháng 11 chị cũng có liên hệ với cửa hàng để đến đây đổi khăn. Tuy nhiên, đại diện cửa hàng cho hay, chỉ những khách hàng còn giữ hóa đơn mới được thực hiện việc đổi trả.

"Do không giữ hóa đơn nên tôi không được nhân viên cửa hàng đổi trả sản phẩm đã mua với giá gần một triệu đồng mỗi chiếc", chị Tính nói. 

nhieu-cua-hang-khaisilk-tim-nguoi-thue-mat-bang-1

Cửa hàng Khaisilk tại 113 Hàng Gai, Hà Nội đóng cửa từ cuối tháng 10. Ảnh: TL.

Mới đây, kết quả kiểm tra, giám định chất lượng sản phẩm dệt may đối với một số mẫu sản phẩm của Công ty TNHH Khải Đức, đơn vị sở hữu thương hiệu Khaisilk, cho thấy không có thành phần silk như công bố trên nhãn hàng hoá về thành phần nguyên liệu trong sản phẩm là 100% silk.

Lãnh đạo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) - thành viên đoàn kiểm tra liên ngành về chấp hành pháp luật trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho biết, 7/10 mẫu sản phẩm của Khaisilk có kết quả kiểm tra khác với các thông tin công bố về thành phần. Theo đó, có 6 sản phẩm được công bố là "100% silk" nhưng thực tế là "100% polyester" hoặc có "vải nền là polyamide" và "hoa văn là polyester/rayon". Ngoài ra, có một sản phẩm được công bố là "100 pashmina" nhưng thực tế là "49,9% rayon, 35,3% acrylic và 14,8% là wool".

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong vòng 3 năm (2006 - 2009), Khải Đức có nhập khẩu các sản phẩm thời trang từ Trung Quốc và Thái Lan. Tuy nhiên, từ 2009 đến ngày 15/10/2017 công ty không còn nhập khẩu các mặt hàng thời trang. Từ năm 2012 đến nay, công ty cũng không tiến hành hoạt động sản xuất, gia công hoặc đặt gia công các sản phẩm thời trang của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước. 

Thay vào đó, doanh nghiệp này chủ yếu mua các thành phẩm từ các cửa hàng, hộ kinh doanh, doanh nghiệp khác trên thị trường về gắn một trong ba nhãn hàng hóa "Khaisilk®", "Khaisilk cách điệu" và "Khaisilk Made in Vietnam" để kinh doanh trên thị trường.

Bộ Công Thương đã chuyển hồ sơ, vật chứng cho cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo quy định đối với các dấu hiệu vi phạm hình sự. Bộ này đồng thời theo dõi, tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định đối với các sai phạm của doanh nghiệp theo thẩm quyền.

Hàng loạt tỉnh thành miền Bắc rét dưới 10 độ

10 tỉnh thành phía Bắc sớm nay rét dưới 10 độ C, trong đó thấp nhất Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 1 độ, Hà Nội xấp xỉ 13.

Miền Bắc đang trải qua đợt rét nhất từ đầu đông do nằm sâu trong khối không khí lạnh và khô. Mức nhiệt thấp nhất đêm qua và sớm nay phổ biến 11-13 độ ở vùng đồng bằng và 5-8 độ ở vùng núi phía Bắc.

10 tỉnh thành có điểm quan trắc dưới 10 độ, tập trung ở Đông Bắc Bộ, vùng núi phía Bắc. Thấp nhất là núi Mẫu Sơn hơn 1 độ; Trùng Khánh (Cao Bằng), Đồng Văn (Hà Giang) 4 độ; Sa Pa (Lào Cai) 5 độ; Mộc Châu (Sơn La) 6 độ; Tiên Yên (Quảng Ninh), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Sơn Động (Bắc Giang) 7 độ C.

Vùng đồng bằng Bắc Bộ rét nhất là Thái Bình 10 độ; thành phố Nam Định hơn 11 độ. Trong 5 trạm đo của Hà Nội có hai trạm Ba Vì, Hoài Đức xấp xỉ 13, các trạm Sơn Tây, Láng, Hà Đông trên 13 độ C.

Đến 9h, trời tràn ngập nắng, gió đông bắc khoảng cấp 3, nhiệt độ miền Bắc mỗi tiếng nhích lên khoảng 1 độ, cao nhất ngày tại Hà Nội khoảng 20 độ C.

hang-loat-tinh-thanh-mien-bac-ret-duoi-10-do

Một số người dân làm việc ngoài đường đốt lửa sưởi ấm. Ảnh: Q.Đ.

Cơ quan khí tượng dự báo, đêm nay do tác động của khối không khí rét và khô, Bắc Bộ tiếp tục giảm nhiệt thêm 1-2 độ, vùng đồng bằng 9-12, vùng núi 6-8 độ C, một số đỉnh núi cao có khả năng xuất hiện băng giá, sương muối.

Cũng nằm trọn trong khối không khí lạnh mạnh, Bắc Trung Bộ sớm nay ghi nhận nền nhiệt rất thấp. Tây Hiếu (Nghệ An), Như Xuân (Thanh Hóa) chỉ 11 độ, các nơi khác trong ngưỡng 12-15 độ.

Không chỉ giá lạnh, người dân các tỉnh từ Hà Tĩnh trở vào đến Phú Yên còn có mưa, trong đó từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi mưa to.

Đợt rét đậm sẽ kéo dài đến ngày 20/12 ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; vùng núi rét hại. Gió đông bắc trong đất liền cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5, riêng vùng ven biển Nam Trung Bộ có gió giật cấp 6-8.

Thứ Sáu, 15 tháng 12, 2017

Hai người đi xe máy bị tàu hoả kéo lê 20 m

Chạy xe máy qua đường sắt không có rào chắn, hai người đàn ông quê Hà Nội bị tàu hỏa kéo rê 20 m, tử vong tại chỗ.

Khoảng 16h ngày 15/12, xe máy chở hai người đàn ông băng qua đường ngang dân sinh thuộc địa phận xã Duy Minh (Duy Tiên, Hà Nam) bất ngờ bị tàu chở khách SE8 chạy hướng Phủ Lý – Hà Nội đâm ngang thân xe.

hai-nguoi-di-xe-may-bi-tau-hoa-keo-le-20-m

Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: V.Linh.

Bị tàu kéo rê hơn 20m, hai nạn nhân quê thị trấn Vân Đình (Ứng Hòa, Hà Nội) tử vong tại chỗ, chiếc xe máy biển số Hà Nội hư hỏng nặng.

Người dân địa phương cho biết, đoạn đường ngang dân sinh nơi xảy ra tai nạn không có rào chắn và thường xuyên xảy ra tai nạn.

Cuộc sống ven con rạch ô nhiễm ở Tp HCM

Hàng chục năm nay, người dân sống xung quanh rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh) ngày ngày ăn, ngủ bên dòng kênh hôi thối ngập rác thải.

Rạch Xuyên Tâm dài 6,2 km, xuất phát từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến sông Vàm Thuật, chảy qua các quận Bình Thạnh, Gò Vấp. Từ nhiều năm nay, con rạch ô nhiễm nặng nhưng vẫn chưa được cải tạo.

Hồi năm 2015 UBND TP HCM đã phê duyệt dự án nạo vét, cải tạo môi trường rạch Xuyên Tâm, có tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng theo hình thức BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao) từ 2015 đến 2022. Tuy nhiên đến nay dự án vẫn "giậm chân tại chỗ".

Hệ thống rạch Xuyên Tâm đang tải nước thải của 40% người dân quận Bình Thạnh với lượng nước thải khoảng 40.000 m3 mỗi ngày, chưa qua xử lý. Có hơn 1.600 căn nhà lụp xụp với hàng nghìn người sinh sống dọc hai bờ rạch.

Khu vực qua đường Bùi Hữu Nghĩa và Nguyễn Xuân Ôn (phường 15, quận Bình Thạnh) hiện là nơi chịu cảnh ô nhiễm nặng nhất. "Tôi sống ở đây gần 20 năm rồi. Những năm 90, cây cầu này chưa xây, còn là bến đò thì nước vẫn sạch, có thể tắm được", bà Ngô Thị Thanh (45 tuổi) chia sẻ.

Bà Võ Thị Thông (74 tuổi) được gọi là "lão làng" ở khu này do gia đình bà cư ngụ từ năm 1954 - nước rạch trong veo.

"Giờ thì triều lên hay rút con rạch cũng bồng bềnh rác, trôi nổi quanh năm và không bao giờ có người dọn dẹp. Lâu lâu tôi phải gom lại để đốt cho bớt ruồi muỗi vào nhà", bà Thông chia sẻ.

Từ nhiều năm nay các hộ dân vẫn làm nhà vệ sinh, nơi tắm rửa, giặt giũ... và xả thẳng xuống rạch khiến tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng.

Hàng trăm căn nhà "ổ chuột" chen chúc trên dòng kênh thối.

"Dãy trọ tôi ở phải đến 20 hộ, chủ yếu là người bán hàng rong. Họ được chủ nhà cho thuê theo ngày cho tiện buôn bán. Mỗi căn rộng lắm thì được 5 m2. Không gian sinh hoạt chung là đoạn rạch này, mọi người thay phiên nhau tắm rửa, vệ sinh, nấu ăn, phơi đồ", bà Thanh Nhàn (48 tuổi, bán vé số) cho biết.

Vợ chồng bà Bé (quê Bến Tre) sinh hoạt ngay trên ghe, neo tại rạch Xuyên Tâm. "Mỗi tháng tôi chỉ về quê vài lần để lấy dừa, còn lại ăn ngủ chung với rác rưởi, mùi hôi thối quanh năm. Đồ ăn nấu xong là ăn ngay tránh ruồi bu. Tối ngủ lúc nào cũng phải mắc màn, đốt nhang muỗi", bà nói.

Nhóm bạn trẻ vô tư câu cá, ăn uống ở cạnh dòng nước đen ngòm, ngập rác. "Chúng em ở đây từ bé nên quen rồi, chiều nào không mưa đều ra câu cho vui chứ không dám ăn cá ở đây", một thành viên cho biết.

Con rạch ô nhiễm làm phát sinh nhiều chuột, ruồi, muỗi...

Một chiếc phao được đặt để ngăn không cho rác từ rạch Xuyên Tâm chảy ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nơi đã được cải tạo sạch sẽ.

Người dân nơi đây mong muốn dự án cải tảo rạch sớm hoàn thành để không còn phải sống với rác thải ô nhiễm. Tuy nhiên, theo địa phương, do thiếu vốn, quỹ đất tái định cư nên dự án nạo vét rạch Xuyên Tâm vẫn chưa được thực hiện.